Vì sao châu Âu muốn Mỹ bỏ ngay thuế quan 7.5 tỷ USD?

Vì sao châu Âu muốn Mỹ bỏ ngay thuế quan 7.5 tỷ USD?

Liên minh châu Âu (EU) đang yêu cầu Mỹ dỡ bỏ ngay lập tức mức thuế mà nước này áp đặt vào năm ngoái trong một tranh chấp trợ cấp hàng không vũ trụ kéo dài 16 năm.

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ “tấn công” EU bằng thuế quan đối với các sản phẩm - từ máy bay đến quần áo và pho mát - như hình phạt cho những khoản trợ cấp bất hợp pháp mà một số quốc gia EU đã dành cho tập đoàn chế tạo máy bay Airbus.

Tuy nhiên, vào thứ Sáu vừa qua, Airbus tuyên bố các khoản trợ cấp cuối cùng - từng bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá là bất hợp pháp - đã bị hủy bỏ thông qua những sửa đổi trong hợp đồng đầu tư với Chính phủ Tây Ban Nha và Pháp. Do đó, EU cho rằng đã đến lúc Mỹ phải rút lại những thuế quan trước đây.

Đây là những hợp đồng đầu tư có thể được hoàn trả (RLI) - nghĩa là về cơ bản, các khoản thanh toán tạm ứng cho việc ra mắt một chiếc máy bay mới được hoàn trả kèm theo lãi suất dưới dạng "tiền bản quyền", nhưng chỉ khi vượt qua được mục tiêu doanh số nhất định. Airbus được nhận các khoản vay này từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Trong khi Mỹ gọi đây là "viện trợ sản xuất " thì EU gọi là "chia sẻ thành công".

Năm 2016, WTO đã đồng ý với Mỹ rằng các khoản vay để sản xuất A350 là các khoản trợ cấp bất hợp pháp khiến công ty Boeing (Mỹ) bị mất hàng trăm đơn đặt hàng dành cho những loại máy bay đang cạnh tranh với A350 như 787, 777, 747 và 737. Hai năm sau, EU và Airbus cho biết sẽ sửa đổi các hợp đồng RLI để tuân thủ phán quyết của WTO.

Với những sửa đổi cuối cùng được hoàn tất, giờ đây, EU muốn Mỹ phải có hành động ngay lập tức đối với các mức thuế trên.

WTO cho phép Mỹ áp thuế quan lên tới 7.5 tỷ USD lên hàng hóa EU và Mỹ đã làm như vậy theo từng giai đoạn. Hiện tại, Mỹ đang xem xét bổ sung thêm hàng hóa EU vào danh sách thuế quan, bao gồm những thứ như ô tô tải, sô-cô-la và cà phê không có caffein.

EU không phải không có vũ khí riêng trong vụ tranh chấp này.

WTO cũng ra phán quyết Boeing đã nhận được tài trợ bất hợp pháp, nghĩa là EU cũng có quyền trừng phạt Mỹ bằng thuế quan. Lý do duy nhất khiến họ chưa thực hiện điều đó là vì họ đang chờ một trọng tài của WTO chỉ định mức thuế tối đa mà họ có thể áp dụng.

Quyết định đó sẽ được đưa ra trong những tuần tới. Thứ Sáu vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ngay khi biết con số được phê duyệt, họ sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, trừ khi Mỹ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của EU trước.

"Trong trường hợp không có thỏa thuận giải quyết, EU sẽ sẵn sàng tận dụng triệt để các quyền trừng phạt của chính mình", ủy viên hội đồng thương mại EU, Phil Hogan, nói.

Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố EU không thể áp dụng thuế quan với họ, vì họ đã loại bỏ tất cả khoản trợ cấp bất hợp pháp dành cho Boeing. Hồi tháng 5, Mỹ nói những khoản trợ cấp cuối cùng đã bị xóa bỏ, cho thấy họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO.

"Bước này đảm bảo EU không có cơ sở hợp lệ để trả đũa bất kỳ hàng hóa nào của Mỹ", Đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer , nói vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, văn phòng của Lighthizer đã không công bố động thái tiếp theo của họ.

Tranh chấp trợ cấp của Mỹ-EU bắt đầu từ năm 2004, nhưng dưới thời của Tổng thống Donald Trump, nó trở thành một phần của một loạt tranh cãi lớn hơn liên quan đến thương mại.

Mỹ hiện đang đe dọa áp thuế quan đối với các sản phẩm của Pháp để trả đũa "thuế kỹ thuật số" mà Pháp sẽ áp dụng cho doanh thu địa phương của các ông lớn đến từ Mỹ như Amazon, Google và Facebook. Mỹ cũng đã đe dọa thuế quan đối với ô tô châu Âu, vì nhiều lý do, trong đó có mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ-EU và nỗ lực để buộc EU phải trừng phạt Iran về tội vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, nếu xét đến việc thuế quan đối với hàng nhập khẩu thường do người tiêu dùng và doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu gánh chịu, vẫn còn phải xem động thái như vậy sẽ diễn ra như thế nào trong năm bầu cử ở Mỹ, vốn đã tan tác bởi cuộc tàn phá về mặt kinh tế do đại dịch Covid-19.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI