TTF báo lãi quý thứ hai liên tiếp, cổ phiếu kịch trần

TTF báo lãi quý thứ hai liên tiếp, cổ phiếu kịch trần

Có lãi là một thành tích khả quan đối với TTF, nhưng giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, hãng gỗ này mới chỉ thực hiện được gần 15% chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch sau nửa năm.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu thuần trên 370 tỷ đồng, gấp gần 3.7 lần cùng kỳ năm trước.

Quý 2, TTF báo lãi ròng 18.9 tỷ đồng, cũng là quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận sau lời khẳng định “năm nay chắc chắn có lãi” của Chủ tịch Mai Hữu Tín tại cuộc họp cổ đông thường niên cuối tháng 4.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF tăng kịch trần tính đến 9h38 sáng ngày 31/07, sau khi các BCTC quý 2 được công bố.

Trong quý 2, Công ty ghi nhận thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi, lãi cho vay (12.8 tỷ đồng) nhiều hơn đáng kể so với kỳ trước (7 tỷ đồng), cùng với đó là việc không thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi lớn như cùng kỳ.

Vua gỗ một thời cũng ghi nhận khoản thu nhập khác gần 11 tỷ đồng. Tuy vậy, phía doanh nghiệp không thuyết minh gì thêm về nguồn thu này.

Nguồn: Thuyết minh BCTC hợp nhất quý 2/2020 của TTF

Những nguồn thu nhập khác và việc không phải trích lập chi phí dự phòng là những yếu tố giúp TTF ghi nhận lãi ròng, dù vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 2.

Trước đó, vào quý đầu năm, nhà sản xuất đồ gỗ báo lãi suýt soát 4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận khoản tiền lớn bồi thường từ cổ đông. TTF không nêu rõ danh tính cổ đông liên quan vào thời điểm đó.

Trong hai năm 2018-2019, TTF liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi quý khi phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và hàng tồn kho - những tàn dư để lại sau bê bối hàng tồn kho “bốc hơi” của ban lãnh đạo cũ.

Lợi nhuận ròng của TTF từ 2018-2020
Đvt: Tỷ đồng

Đến nay, hãng gỗ này đang trên đường tìm kiếm năm có lợi nhuận đầu tiên kể từ 2017, cũng là để giúp cổ phiếu TTF tránh tình trạng hủy niêm yết bắt buộc - vốn là quy định được đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư tránh khỏi những doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp. Việc bị hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng đến những phương án huy động vốn tương lai và cả hình ảnh của Công ty.

Theo Chủ tịch Mai Hữu Tín, TTF đã xử lý được tất cả tồn đọng. “Nếu không có lời (năm 2020) thì tôi sẽ từ chức”, ông khẳng định trước toàn thể cổ đông tại cuộc họp cách đây 3 tháng.

Cuối năm 2019, TTF đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy tủ bếp cùng nhà máy sản xuất nội thất gỗ cao cấp đặt trong khuôn viên trụ sở chính tại Bình Dương. Ngoài ra, một nhà máy ván ép cũng đang được triển khai tại tỉnh Bình Định.

Tất cả những tích cực đó đang bị làm khó bởi sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mà theo đó, chế biến gỗ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm dẫn đến không ít doanh nghiệp gỗ phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Tại cuộc họp thường niên cuối tháng 4, bản thân ông Mai Hữu Tín cũng thừa nhận không thể đưa ra dự báo gì về tương lai làm ăn trong mùa dịch vì tình hình quá phức tạp.

Kết thúc 6 tháng đầu 2020, TTF đạt doanh thu thuần gần 626 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này bằng chưa đến 26% kế hoạch được đặt ra cả năm.

Về mặt lợi nhuận, nhà sản xuất gỗ này lãi trước thuế hơn 10 tỷ đồng sau nửa đầu năm, tương ứng gần 15% chỉ tiêu kế hoạch.

Thừa Vân

FILI