Tại sao chứng khoán Mỹ có thể rớt 20-30%?

Tại sao chứng khoán Mỹ có thể rớt 20-30%?

Chuyên gia đầu tư kỳ cựu Ed Yardeni cảnh báo rằng những rủi ro từ số ca nhiễm tăng vọt tại Mỹ và căng thẳng Mỹ-Trung có thể châm ngòi cho đà giảm 20-30% trên thị trường chứng khoán Mỹ.

“Thị trường đã tăng rất mạnh và điều đó thể hiện qua hệ số P/E. Chứng khoán không còn rẻ”, vị Chủ tịch của Yardeni Research nói trên chương trình “Trading Nation” của CNBC trong ngày thứ Sáu (18/07). “Hơn thế nữa, chúng ta dường như không xử lý tốt quá trình tái mở cửa kinh tế và giãn cách xã hội để giảm thiểu sự gia tăng về số ca nhiễm tại Mỹ, cũng như một số khu vực ở châu Á và châu Âu”.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dùng tới các biện pháp chưa có tiền lệ để vực dậy Phố Wall và nền kinh tế vào cuối tháng 3/2020, ông Yardeni nói với nhà đầu tư rằng thị trường có khả năng phục hồi theo hình chữ V.

Ông Yardeni – người đã trải qua nhiều thập kỷ trên Phố Wall và phụ trách chiến lược đầu tư cho các công ty như Prudential và Deutsche Bank – kỳ vọng nền kinh tế bắt kịp với thành quả của thị trường.

“Có rất nhiều thông tin tích cực. Dĩ nhiên là đừng cố chống lại Fed. Cơ quan này đã bơm thanh khoản khổng lồ ra nền kinh tế”, ông Yardeni cho biết. “Bên cạnh đó, một số dữ liệu kinh tế vĩ mô ở mức mạnh đến bất ngờ và một số chỉ báo như doanh số bán lẻ phục hồi rất tốt”.

Thế nhưng, hiện ông đang lo sợ sự thay đổi về bối cảnh có thể gây tổn thương cho những nhà đầu tư đặt cược lớn vào chứng khoán Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy nhiều bang lớn đang đảo ngược quá trình mở cửa kinh tế. Vì vậy, những thông tin kinh tế tốt trong tháng 5 và 6/2020, bao gồm cả con số thất nghiệp, không bền vững”, ông Yardeni lưu ý. “Trên hết, xung đột Mỹ-Trung đã leo thang trở lại”.

Mặc dù tin rằng thị trường Mỹ vẫn đi lên trong dài hạn, nhưng ông vẫn muốn chuẩn bị cho tất cả kịch bản tiềm năng.

Một trong những giải pháp chống sụt giảm của ông là nhắm tới những khu vực ít biến động và có số ca nhiễm thấp – cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

“Những thị trường này rẻ hơn rất nhiều so với Mỹ khi xét tới hệ số P/E forward (tức xét trên lợi nhuận dự phóng – PV)”, ông nói thêm. “Có lẽ đây là lúc nên bắt đầu quan sát thị trường nước ngoài để xem liệu họ có câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ hay không”.

Ông Yardeni cũng cảnh báo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 có thể khiến thị trường biến động mạnh và các khách hàng của ông đang lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Joe Biden thắng cử và Đảng Dân chủ chiếm lấy lưỡng viện.

“Nhiều người lo ngại sự thay đổi triệt để trong việc tạo lập chính sách có thể tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán”, ông Yardeni cho biết. “Tôi cũng nghĩ về chuyện đó, nhưng vẫn còn hơi sớm để lo ngại rằng điều đó sẽ được phản ánh vào thị trường”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI