Sự kiện thế giới nào có thể ảnh hưởng TTCK thời gian tới?

Sự kiện thế giới nào có thể ảnh hưởng TTCK thời gian tới?

Nửa cuối năm, thế giới sẽ diễn ra nhiều sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu năm 2020 và một vài năm tới, qua đó ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán (TTCK).

Chính vì vậy, những sự kiện này đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 được giới đầu tư quan tâm.

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump sẽ tranh cử nhiệm kỳ hai (nếu thắng, ông sẽ nắm quyền thêm 4 năm nữa). Chúng ta phải chờ đến tháng 11 mới biết kết quả và đây sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng cho nền chính trị thế giới.

Việc ai thắng cử sẽ có ảnh hưởng quyết định đến chính sách thương mại của Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và xem xét lại toàn bộ thỏa thuận nguồn cung ứng cũng như các chuỗi giá trị toàn cầu liên quan, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng thương mại, kinh tế, làm xáo trộn thị trường tài chính thế giới.

Giữa tháng 6, ông Trump cho biết Mỹ có thể theo đuổi “tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc”, trong đó có lĩnh vực tài chính. Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Trump về mối quan hệ ngày càng tệ với Bắc Kinh.

Khả năng Anh không đạt thỏa thuận thương mại với EU

Kể từ thời điểm chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/01/2020, sau 47 năm là thành viên của liên minh này, Vương quốc Anh bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến ngày 31/12/2020. Trong thời gian này, Anh vẫn tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn EU.

Sau ngày 31/12/2020, nếu không đạt thỏa thuận, Anh và EU sẽ giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà quản lý tài sản của Anh sẽ tiếp cận EU theo cách của Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Điều này sẽ mang lại sự thay đổi đột ngột cho quan hệ thương mại EU-Anh mà nhiều tổ chức kinh doanh và chuyên gia thương mại cho rằng sẽ gây ra sự gián đoạn xuyên biên giới.

Tháng 7/2020 là thời hạn chót để Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra quyết định liệu nước Anh có muốn giữ nguyên trạng các mối quan hệ với EU như hiện nay đến hết năm 2021 hay không. Lịch trình đàm phán gấp gáp như vậy đang là sức ép, bởi Anh và EU phải vượt qua các bất đồng không hề nhỏ để vừa đạt được thỏa thuận, vừa kịp triển khai đúng thời gian. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 02/06 với các ngân hàng lớn nhất của Anh, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Andrew Bailey, nói các ngân hàng cần thúc đẩy kế hoạch phòng khả năng nước này không đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU trước thời hạn cuối năm nay. Anh muốn các cam kết mang tính ràng buộc từ phía EU về vấn đề tiếp cận thị trường tài chính để tránh ngành tài chính nước này đột ngột bị cắt đứt khỏi EU - yêu cầu mà EU đã bác bỏ. Quan chức EU từng cảnh báo  lĩnh vực dịch vụ tài chính của Anh nên sẵn sàng cho một Brexit không thỏa thuận.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mà Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 08/06, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức 5.2% và là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn không rơi vào suy thoái, nhưng dự báo chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2020.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc yếu hơn sẽ gây ra những tác động trên toàn cầu. Các nước cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy của Trung Quốc, từ đồng của Chile đến than của Indonesia, đặc biệt dễ tổn thương trước sự giảm tốc của kinh tế nước này. Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy trong số các nền kinh tế lớn, 35% số hàng hóa xuất khẩu của Australia trong tháng Tư là tới Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này của Brazil là 30% và Hàn Quốc là 24%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ như Procter & Gamble và General Motors tiêu thụ hàng hóa tại thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Rủi ro làn sóng Covid-19 thứ 2

OECD cảnh báo nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng lên, GDP toàn cầu sẽ giảm 7.5% trong năm nay và 40 triệu người mất việc làm. Ngay cả khi không có làn sóng thứ 2, OECD dự báo GDP toàn cầu vẫn giảm 6%, mức khủng khiếp nhất kể từ khi tổ chức này được thành lập 6 thập kỷ trước.

Nỗi ám ảnh về làn sóng Covid-19 thứ 2 đã khiến các thị trường chứng khoán giảm điểm trong thời gian gần đây khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Gia Nghi

FILI