Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới lỗ 165 tỷ USD trong quý tệ nhất trong lịch sử

Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới lỗ 165 tỷ USD trong quý tệ nhất trong lịch sử

Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới ghi nhận khoản lỗ kỷ lục trong 3 tháng đầu năm 2020, sau khi đại dịch Covid-19 châm ngòi cho làn sóng tháo chạy trên toàn cầu.

Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ (GPIF) của Nhật Bản mất 17.7 ngàn tỷ Yên (164.7 tỷ USD), tương đương 11% trong 3 tháng đầu năm 2020.

Đây là khoản lỗ lớn nhất dựa trên dữ liệu từ tháng 4/2008 và đẩy tổng tài sản của quỹ xuống 150.63 ngàn tỷ Yên. Chứng khoán nước ngoài là khoản đầu tư có thành quả tệ nhất, kế đó cổ phiếu nội địa.

Kết quả u ám trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi quỹ “thay máu” ban quản lý hàng đầu và điều chỉnh danh mục sang tập trung nhiều hơn vào trái phiếu nước ngoài. Khoản lỗ này đã thổi bay những khoản lời trong năm tài chính hiện tại của quỹ GPIF và có thể thu hút ánh nhìn từ giới chính trị khi an sinh xã hội vẫn là mối quan tâm lớn đối với hàng chục triệu người nghỉ hưu tại Nhật Bản.

Chủ tịch quỹ GPIF Masataka Miyazono

“Đà giảm của thị trường cổ phiếu trong và ngoài nước đã dẫn tới tỷ suất sinh lời âm cho cả năm tài chính hiện tại”, Masataka Miyazono, Chủ tịch của GPIF nhận định. “Cả thị trường trong nước và ngoài nước đều có thành quả cao trong suốt năm 2019, mặc dù chịu nhiều áp lực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Đại dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư không còn muốn ôm lấy rủi ro”.

Trái phiếu nước ngoài là tài sản duy nhất có lời trong 3 tháng đầu năm. Trái phiếu này lời 0.5%, trong khi lỗ 0.5% đối với trái phiếu Nhật Bản, lỗ 18% đối với cổ phiếu Nhật và lỗ 22% đối với cổ phiếu nước ngoài. Trong tháng 4/2020, quỹ GPIF nâng tỷ lệ phân bổ vốn cho trái phiếu nước ngoài thêm 10 điểm phần trăm lên 25%, đồng thời giữ nguyên mục tiêu đối với cổ phiếu trong và ngoài nước ở mức 25%.

Naoki Fujiwara, Giám đốc quản lý quỹ tại Shinkin Asset Management, cho biết chuyện lỗ hoàn toàn nằm trong dự tính. Thị trường cổ phiếu đã phục hồi kể từ tháng 3/2020, vì vậy quỹ có thể lấy lại những gì đã mất trong giai đoạn tháng 4-6/2020, ông Fujiwara cho biết.

“Danh mục hiện tại dễ bị tác động trước sự biến động của cổ phiếu”, ông cho biết. “Chúng ta đang trong môi trường lãi suất thấp và có khả năng kéo dài trong vòng 2 năm tới, vì vậy mọi thứ có lẽ vấn ổn tại thời điểm này. Thế nhưng, trong dài hạn, quỹ nên điều chỉnh tỷ lệ phân bổ đối với cổ phiếu”.

Thành quả của quỹ GPIF

Theo hướng dẫn mới từ Chủ tịch Miyazono và Giám đốc đầu tư Eiji Ueda, quỹ phải điều hướng trong một thị trường đầy biến động vì tác động của đại dịch Covid-19 và lời hứa kích thích kinh tế. Nỗi sợ về làn sóng bùng phát dịch thứ hai đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường cổ phiếu trên toàn cầu.

GPIF không vội mua trái phiếu ngoại – vốn đang thấp hơn 3% so với mục tiêu phân bổ, ông Miyazono nói với phóng viên tại Tokyo. Quỹ có khung thời gian đầu tư dài hơn 10-20 năm, ông nói, đồng thời cho biết thêm kết quả của 1 năm riêng lẻ sẽ không có tác động tới khoản chi trả cổ tức.

Các khoản đầu tư vào chỉ số ESG chạm kỷ lục 5.7 ngàn tỷ Yên. Quỹ GPIF – “tay chơi” đi đầu trong hoạt động đầu tư có trách nghiệm với xã hội – đã đầu tư vào các chỉ số như FTSE Blossom Japan, MSCI Japan ESG Select Leaders và MSCI Japan Empowering Women.

Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số MSCI All-Country World Index – theo dõi chứng khoán trên toàn cầu – lao dốc 22%, giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 125 điểm cơ bản xuống gần mức thấp kỷ lục trong giai đoạn này. Điều này là do các biện pháp chưa từng có tiền lệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu về các kênh trú ẩn an toàn.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI