DIC đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết

DIC đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo đến CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (HOSE: DIC) về việc cổ phiếu DIC đã rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

HOSE thông báo cổ phiếu DIC đã rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc căn cứ theo quy định niêm yết cổ phiếu tại Sở. “Chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm gần nhất của tổ chức niêm yết.”, văn bản của HOSE ghi rõ.

Theo đó, HOSE đề nghị DIC gửi công văn giải trình có xác nhận của đơn vị kiểm toán về nguyên nhân dẫn đến việc báo cáo kiểm toán bị từ chối đưa ra ý kiến.

Cụ thể, công ty kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất năm 2019 của DIC. Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến thứ nhất là do kiểm toán vẫn chưa nhận được các thư xác nhận liên quan đến khoản công nợ phải thu khách hàng ngắn hạn 28 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 38 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn 2.6 tỷ đồng, phải trả khác ngắn hạn 17 tỷ đồng. Phía kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về tính chính xác của các khoản nêu trên, không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này trên BCTC hay không.

Thứ hai, khoản đầu tư hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp trị giá 31 tỷ đồng đến nay đã hết hạn nhưng các bên không thực hiện như nội dung cam kết trong hợp đồng. Kiểm toán không đánh giá được khả năng thu hồi tiền đã đầu tư cũng như không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này trên BCTC hay không.

Thứ ba, DIC đang ghi nhận giá trị đầu tư góp vốn vào công ty liên kết là CTCP Xi măng Yến Mao 32.7 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng Minh Hưng với giá trị 302 tỷ đồng. Kiểm toán chưa nhận được BCTC đối với các công ty trên đồng thời cũng không nhận được các thư xác nhận về các khoản đầu tư góp vốn này. Do đó, kiểm toán không đánh giá được giá trị thuần của các khoản đầu tư cũng như không xác định được khả năng thu hồi.

Đáng chú ý nữa, kiểm toán đã đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến khoản nợ phải thu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá gần 172 tỷ đồng chưa được xác nhận nợ (tại ngày 31/12/2019). Đây là khoản công nợ liên quan đến hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. DIC đã làm đơn khởi kiện và gửi lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu EVN hoàn trả số tiền hơn 208 tỷ đồng. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý và chưa có kết luận cuối cùng.

Kết quả kinh doanh năm 2019 của DIC
Nguồn: DIC

Về kết quả kinh doanh năm 2019, DIC thua lỗ sau thuế hơn 66 tỷ đồng (năm 2018 lãi 2.1 tỷ đồng). Phía Công ty cho biết trong năm 2019, tình hình kinh doanh xuất khẩu clinker (mặt hàng chính) gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh mạnh từ các nước như Trung Quốc,… Do giá clinker giảm liên tục trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký phải thực hiện khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm thậm chí thua lỗ. Clinker thương mại nội địa cũng gặp khó, giá mua xấp xỉ giá bán, kết quả lỗ và phải trích lập dự phòng công nợ khó đòi.

Trên thị trường, cổ phiếu DIC vẫn trên đà giảm từ năm 2019. Trong phiên giao dịch sáng ngày 09/07, DIC đang được giao dịch quanh mức giá 1,580 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu DIC từ năm 2019 đến nay

Duy Na

FILI