VinaCapital 'giăng lưới trong vùng nước động'

VinaCapital 'giăng lưới trong vùng nước động'

Những nhà đầu tư không “giăng lưới” trong tháng 5 vừa qua có lẽ đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. VOF-VinaCapital không nằm trong số đó.

Chỉ số VN-Index trải qua thêm một tháng 5 leo dốc ấn tượng với mức tăng 13.1% (xét theo đồng USD), sau khi bay cao 17% trong tháng 4 trước đó. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, Việt Nam chính là thị trường có thành tích tốt nhất khu vực khi tăng gần 33%.

Vietnam Opportunity Fund (VOF) là quỹ đầu tư lớn nhất thuộc VinaCapital. Tính đến cuối tháng 05/2020, VOF quản lý khối tài sản lên đến 858 triệu USD (xấp xỉ trên 19.9 ngàn tỷ đồng). Nếu xét từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5, VN-Index đã giảm 10.5% (quy đổi theo USD) trong khi VOF có hiệu suất khá hơn, chỉ âm 4.2%.

Thành tích của VOF so sánh với VN-Index
Nguồn: VOF

VOF cho biết, thậm chí mặc dù nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, thì giá trị bán ròng vẫn giảm mạnh trong tháng 05/2020 (38 triệu USD trong tháng 5 so với 296 triệu USD trong tháng 4 trước đó) khi mà mối quan tâm của họ đối với các cổ phiếu bluechip chất lượng quay trở lại.

VOF cũng không quên lưu ý về “vùng nước động” trước mắt khi nhìn thấy sự xuất hiện của một làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch Covid-19 đang tiềm tàng tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, cùng với đó là một cái nhìn không mấy lạc quan về nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed).

Tăng “cược” vào ngành dịch vụ tài chính và khu công nghiệp

Trong tháng 05/2020, khoản đầu tư vào ngành thép (HPG) và cảng hàng không (ACV) tiếp tục gia tăng tỷ trọng trong danh mục cổ phiếu niêm yết của VOF.

Điều này cho thấy niềm tin của VOF đối với sự gia tăng đầu tư công trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy mức tăng trưởng nền kinh tế, cũng như sự hồi phục của ngành du lịch trong trung - dài hạn khi Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành điểm đến an toàn sau đại dịch Covid-19.

Các khoản đầu tư cổ phiếu đại chúng lớn nhất của VOF
Nguồn: VOF

Chia sẻ thêm về những hoạt động đầu tư, VOF cho biết đã chớp thời cơ để xây dựng vị thế đáng kể tại các doanh nghiệp niêm yết chất lượng, với mức định giá hấp dẫn khi so sánh với những mức giá trước khi xuất hiện Covid-19. “Đây không phải là những cơ hội giao dịch, mà thay vào đó là cơ hội để phân bổ và triển khai các khoản đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp này, cùng với việc gia tăng phân bổ danh mục của chúng tôi vào lĩnh vực mà trước đây không chiếm nhiều tỷ trọng (chẳng hạn ngành dịch vụ tài chính và bất động sản công nghiệp)".

Dù không hiện diện trong danh sách khoản đầu tư lớn nhất danh mục, VCB, VPB, PHRVHM là một số các khoản đầu tư đáng chú ý được VOF tiến hành gần đây. Quỹ này nhận định đây là những doanh nghiệp với vị thế dẫn đầu vững chắc, bảng cân đối và các chỉ số tài chính lành mạnh, mức nắm giữ tiền mặt cẩn trọng, và có thể mô tả rằng những doanh nghiệp này sẵn sàng đội ngũ để dẫn dắt sự tăng trưởng trong trung - dài hạn, vượt ra khỏi những biến động thị trường hiện tại.

VOF cho biết đã bán đi những khoản đầu tư nhỏ hơn trong danh mục để lấy tiền phục vụ cho những thương vụ mới.

Tổng thể, quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital đã rót thêm đáng kể vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn khởi sắc tháng 4-5 vừa qua. Tính đến cuối tháng 05/2020, các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết chiếm 60.2% tổng tài sản của VOF (**loại trừ tiền, các khoản phải trả và phải thu), một sự gia tăng đáng kể so với mức 53.7% vào cuối tháng 3.

Cơ cấu danh mục VOF phân theo loại tài sản
Nguồn: VOF

Việt Nam đón dòng dịch chuyển sản xuất

Tại Việt Nam, bắt đầu từ tháng 5, hầu hết các hoạt động kinh tế tại nội địa đã vào guồng quay trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Các chuyến bay trong nước đã được phép cất cánh, trong khi đó, đường hàng không quốc tế sẽ được mở vào đầu tháng 7 để kết nối với một số điểm đến tại châu Á như Seoul, Tokyo, Quảng Châu và Đài Bắc.

“Chúng tôi cũng nhìn thấy sự háo hức để tiếp tục hoạt động sản xuất khi mà dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang tìm đường vào Việt Nam bất kể đại dịch Covid-19”, VOF chia sẻ.

Trong 5 tháng đầu 2020, FDI đã đăng ký đạt 10.9 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, với 3 nhà đầu tư chủ chốt là Singapore (5 tỷ USD, tăng 171%), Thái Lan (1.5 tỷ USD, tăng 216%) và Nhật Bản (1.2 tỷ USD, giảm 11.3%). “Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà một vài thành phố nằm trong nhóm điểm đến đầu tiên được mở lại đường di chuyển hàng không”, VOF đánh giá.

Thừa Vân

FILI