Tổng Giám đốc DCM: ‘Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu đối với sản phẩm NPK’

Tổng Giám đốc DCM: ‘Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu đối với sản phẩm NPK’

Trong tình trạng cạnh tranh đối với sản phẩm NPK tại thị trường Việt Nam ngày càng gay gắt, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) chỉ ra Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu của DCM.

Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu sản phẩm NPK

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của DCM diễn ra ngày 26/06, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết sự khốc liệt trong cạnh tranh NPK trên thị trường chủ yếu đến các vấn đề như sau:

Thứ nhất, các quy định về quản lý phân bón còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ dẫn tới việc sản xuất phân bón kém chất lượng tràn lan, cạnh tranh ngược lại với các doanh nghiệp bài bản, uy tín.

Thứ hai, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế VAT và trở thành nguồn cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy sản xuất NPK trong nước mấy năm gần đây đã bị thu hẹp rất nhiều.

Cuối cùng, phân trộn 3 màu và phân đơn 1 hạt cũng cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, hiện nay khi thói quen sử dụng, mô hình canh tác của bà con nông dân thay đổi mạnh mẽ, sản xuất nhỏ lẻ bị thu hẹp, tập trung sử dụng cơ giới thì những phân bón như NPK 1 hạt trở nên có ưu thế hơn. Theo khảo sát của DCM, nguồn cung phân trộn 3 màu tại thị trường Tây Nam Bộ thời gian qua cũng sụt giảm nhiều. Do đó, trong tương lai NPK 1 hạt sẽ chiếm ưu thế và có triển vọng cạnh tranh hơn tại khu vực này.

Vị Tổng Giám đốc chỉ ra Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu của DCM. Tại đây Công ty đã có thời gian nghiên cứu thổ nhưỡng, cho thấy tính chất của đất, sự tồn dư của nguyên tố P (phốt pho) và K (Kali) trong đất còn nhiều. Theo đó nghiên cứu, phát triển những dòng sản phẩm NPK phù hợp với từng loạt cây chủ lực trong vùng (như NPK riêng cho lúa, NPK cho cây ăn trái) kết hợp với các giải pháp dinh dưỡng tổng thể để cạnh tranh về giá.

Với những định hướng như vậy, ban lãnh đạo của DCM cho rằng vị trí nhà máy NPK công suất 300,000 tấn/năm đặt tại Cà Mau có thể tận dụng được ưu thế.

Phía DCM cho biết dây chuyền sản xuất NPK của Công ty là dây chuyền công nghệ cao, có độ tin cậy và an toàn thiết bị nhà máy, hiện đã đủ điều kiện để vận hành chạy thử và dự kiến cuối tháng 7/2020 sẽ hoàn thành.

Kế hoạch lãi sau thuế năm 2020 gần 52 tỷ đồng

Năm 2020, DCM đặt kế hoạch tiêu thụ hơn 693 ngàn tấn Đạm Cà Mau - giảm 14%, 160 ngàn tấn NPK (không so sánh) và 185 ngàn tấn phân bón tự doanh - tăng 11% so với thực hiện năm 2019.

Chỉ tiêu sản lượng năm 2019 của DCM
Nguồn: Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của DCM

Về tài chính, tổng doanh thu cả năm dự kiến vào mức 7,956 tỷ đồng tăng trưởng 10% so với năm 2019. Lãi sau thuế ước đạt gần 52 tỷ đồng. So với lãi sau thuế 2019 gần 428 tỷ đồng, Công ty đặt kế hoạch giảm lãi gần 88%.

Chỉ tiêu tài chính năm 2020 của DCM
Nguồn: Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của DCM

Ban lãnh đạo DCM chỉ ra từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty đã tận dụng được tình hình giá dầu xuống thấp để đẩy mạnh sản xuất và tăng bán hàng. Do đó đã đạt được kết quả nhất định. Giá khí bình quân rơi vào khoảng 4.36 USD/triệu BTU.

Quý 1/2020, Công ty báo lãi sau thuế gần 92.5 tỷ đồng.

Duy Na

FILI