OECD vẽ ra bức tranh u ám về nền kinh tế thế giới

OECD vẽ ra bức tranh u ám về nền kinh tế thế giới

Đại dịch Covid-19 đang phủ màu u ám lên cả kinh tế thế giới và giờ vẫn còn quá sớm để các nhà quyết sách rút lại đường sống của các doanh nghiệp và những người dân bị tổn thương nhiều nhất vì dịch bệnh, OECD cảnh báo.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra đánh giá bi quan trong báo cáo triển vọng hàng quý, trong đó dự báo kinh tế toàn cầu giảm 6% trong năm 2020, giảm mạnh hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó trong tuần này. Đó là dựa trên kịch bản virus sẽ dần dần biến mất.

Tuy nhiên, trong kịch bản xảy ra làn sóng bùng phát thứ hai (một kịch bản mà OECD cho rằng có xác suất xảy ra bằng với kịch bản 1), kinh tế thế giới có thể suy yếu 7.6% trong năm 2020.

Trong bối cảnh các cơ quan chức trách nới lỏng biện pháp kiểm soát đi lại, một số dữ liệu cho thấy các nền kinh tế đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Thế nhưng, OECD cho biết việc rút lại các biện pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp có nguy cơ kéo dài tác động từ đại dịch Covid-19 đến kinh tế và xã hội. Tại Mỹ, một số Đảng viên Cộng hòa đang hoài nghi về sự cần thiết của việc tung thêm gói kích thích sau khi số lượng việc làm bất ngờ tăng mạnh trong tháng 5/2020.

Theo quan điểm của OECD, rủi ro vẫn còn. Trong lúc một số ngành công nghiệp đối mặt với thiệt hại dài hạn – ngành hàng không đã thông báo giảm hàng ngàn việc làm, OECD cảnh báo có khả năng số vụ phá sản sẽ gia tăng và giai đoạn thất nghiệp kéo dài.

“Điều quan trọng ở thời khắc này là không lặp lại sai lầm của cuộc khủng hoảng tài chính và chúng tôi thực sự ủng hộ quá trình chuyển tiếp này cho đến khi tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm lấy lại đà trước đó”, Laurence Boone, Chuyên gia kinh tế trưởng tại OECD, cho biết.

Xét tới tác động rõ ràng từ các biện pháp kiểm soát và phong tỏa, triển vọng bi quan của OECD chẳng có gì đáng kinh ngạc. Thế nhưng, báo cáo cảu OECD cũng nhấn mạnh đến tác động về phương diện xã hội và những vết nứt sâu mà Covid-19 để lại. Ngày càng nhiều giới hạn thương mại được đưa ra và các biện pháp phong tỏa cho thấy sự bất bình đẳng giữa những người lao động.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ bất ổn tới nhường này”, Boone cho biết. “Đây là điều khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng này – mọi thứ phải thay đổi hàng tuần vì tình hình có thể thay đổi rất kịch tính”.

Các Chính phủ phải để mắt tới những người bị tổn thương nhất vì Covid-19, theo báo cáo của OECD. Phần lao động trẻ và có thu nhập thấp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lực lượng lao động ở những lĩnh vực dễ bị mất việc làm và có rủi ro sức khỏe lớn nhất, trong khi những người lao động có trình độ cao thường được làm việc tại nhà.

Trong kịch bản không có làn sóng bùng phát thứ hai, OECD dự báo kinh tế Mỹ suy yếu hơn 7% trong năm 2020, trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm 9%. GDP Italy, Pháp và Anh sẽ giảm hơn 11% trong năm nay, theo dự báo của OECD.

Đây là một thách thức chưa từng thấy đối với các chính phủ - vốn đã chỉ ra hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp sống sót và người lao động cho đến khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

 

OECD cho rằng vào cuối năm sau, phần thu nhập bị mất sẽ cao hơn tất cả các kỳ suy thoái kinh tế trong hơn 100 năm qua, gây hậu quả lâu dài và tiêu cực đối với người dân, các doanh nghiệp và chính phủ.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2% trong năm nay. Cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy 70 - 100 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI