Nhựa Pha Lê muốn nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng

Nhựa Pha Lê muốn nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng

CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HOSE: PLP) dự kiến phát hành tối đa 35 triệu cp để nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng.

Phương án nâng vốn lên 600 tỷ đồng

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2019 của PLP đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, xét thấy diễn biến giá thị trường của cổ phiếu PLP năm 2019 và các điều kiện khách quan khác không thuận lợi, HĐQT dự kiến trình cổ đông việc hủy bỏ phương án trả cổ tức năm 2018. Số cổ phiếu dự kiến trả cổ tức năm 2018, HĐQT đề xuất chuyển thành cổ phiếu thưởng.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 của PLP như sau:

Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của PLP

Về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2020, PLP dự kiến phát hành tối đa 35 triệu cp. Nếu phát hành hoàn tất, Công ty sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty phát hành 15 triệu cp (tỷ lệ 10:6) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đối tượng là cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách. Số vốn điều lệ tăng thêm được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Phát hành 20 triệu cp (tỷ lệ 10:8) với giá 10,000 đồng/cp. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách. Tổng lượng vốn thu được (200 tỷ đồng) sẽ được dùng cho hoạt động đầu tư vào: CTCP Hoàng Gia Pha Lê, CTCP Khoáng sản Minh Cầm, CTCP Thương mại và Du lịch Tân Việt An.

Kế hoạch kinh doanh 2020

Theo PLP, thực tế trong năm 2019, các doanh nghiệp trong ngành đều đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị để mở rộng năng lực sản xuất cho thấy thị trường Filler Masterbatch đang rất triển vọng và còn nhiều dư địa phát triển.

Khó khăn trước mắt là hạt phụ gia nhựa gặp áp lực mạnh từ đầu ra khi thị hiếu người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường khó bắt kịp bởi biên độ lợi nhuận thường âm trong ngắn hạn và họ không đủ nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh.

Khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu của ngành nhựa trong nước còn thấp. PLP cho biết Việt Nam hiện chưa tự sản xuất được PE, sản xuất được 15% nhu cầu PP, 30% nhu cầu PET, 50% nhu cầu PVC. Hầu hết máy móc thiết bị trong ngành đều được nhập khẩu, điều này khiến các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thường có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

HĐQT của PLP đề xuất kế hoạch kinh doanh 2020 với doanh thu thuần 1,900 tỷ đồng và lãi sau thuế 53 tỷ đồng, lần lượt tăng 81% và 8% so với thực hiện năm 2019.

Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của PLP

Duy Na

FILI