Dow Jones giảm 500 điểm sau khi Texas ngừng quá trình tái mở cửa kinh tế

Dow Jones giảm 500 điểm sau khi Texas ngừng quá trình tái mở cửa kinh tế

Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày cuối tuần (26/06) khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và tác động đến quá trình hồi phục kinh tế.

Tính tới lúc 21h28 ngày thứ Sáu (26/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 500 điểm (tương đương 2%), trong khi S&P 500 lùi 1.5% và Nasdaq Composite hạ 1.7%.

Ngày 26/06, Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết bang Texas sẽ ngừng một số biện pháp tái mở cửa kinh tế khi số ca nhiễm và số ca nhập viện tiếp tục tăng. “Tại thời điểm này, rõ ràng là đà tăng mạnh về số ca nhiễm chủ yếu đến từ một số loại hoạt động nhất định, bao gồm việc dân Texas tụ tập ở các quán bar”, ông Abbott cho biết trong một thông báo.

Cổ phiếu Delta, United và American Airlines giảm tương ứng 2.8%, 4.5% và 3%. Cổ phiếu Norwegian mất 2.1%.

Chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực sau khi đợt kiểm tra sức chịu đựng hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy vốn tại một số ngân hàng có thể giảm về mức tối thiểu trong những kịch bản liên quan đến đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, các ngân hàng phải tạm ngưng chương trình mua cổ phiếu và giới hạn khoản chi trả cổ tức ở mức hiện tại trong quý 3/2020. Wells Fargo và Capital One có thể bị buộc phải cắt khoản chi trả cổ tức.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phải chịu giám sát: Lần đầu tiên trong lịch sử, ngân hàng sẽ phải nộp lại kế hoạch cổ tức cho Fed. Ngoài ra, có thể các hạn chế về cổ tức sẽ tiếp tục có hiệu lực. Fed cho biết giới ngân hàng có thể phải lặp lại quy trình này hàng quý.

“Mặc dù tôi hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục quản lý các động thái vốn và rủi ro thanh khoản một cách cẩn trọng, nhưng hiện đang có sự không chắc chắn to lớn về lộ trình hồi phục kinh tế”, Phó Chủ tịch Fed Randall Quarles cho biết trong một tuyên bố. "Do vậy, Fed đang hành động để đánh giá tình hình của các ngân hàng một cách bao quát hơn và yêu cầu những ngân hàng lớn nhất áp dụng các biện pháp cẩn trọng để bảo toàn vốn trong những tháng tới".

Bà Brainard cho biết có đến 25% ngân hàng có thể bị đẩy xuống gần với mức vốn tối thiểu trong các kịch bản khác nhau về Covid-19.

Bà cho biết: "Kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng các ngân hàng vận hành với mức vốn gần với yêu cầu tối thiểu sẽ ít có khả năng đáp ứng được nhu cầu của những người đi vay có khả năng trả được nợ. Các điều kiện tài chính thắt chặt có thể gây tổn hại tới sự phục hồi của nền kinh tế".

Tuyên bố trên đã đẩy cổ phiếu của các ngân hàng suy giảm trong ngày thứ Sáu (26/06). Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 3%. Cổ phiếu Wells Fargo sụt 4% và Goldman Sachs lao dốc 4.75%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vừa tăng mạnh trong hôm trước, leo dốc hơn 3% trong phiên ngày thứ Năm (25/06).

Ông David Ellison, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Hennessy Funds, cho biết: "Về bản chất, ngân hàng đang bị quốc hữu hóa. Có vẻ như hoạt động mua cổ phiếu quỹ sẽ bị ngưng trong một thời gian dài, và việc chi trả cổ tức phụ thuộc vào dự đoán của Fed về nền kinh tế".

Trong khi đó, cổ phiếu Nike sụt 3.6% sau khi công bố kết quả lỗ đầy bất ngờ. Công ty ghi nhận khoản lỗ 51 xu trên mỗi cổ phiếu và doanh thu 6.31 tỷ USD trong quý 4, tức giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Nike vẫn công bố lỗ mặc dù chi tiêu tiêu dùng đã tăng kỷ lục trong tháng 5/2020. Trong ngày 26/06, Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận chi tiêu tiêu dùng tăng 8.2% trong tháng trước – một tín hiệu tích cực dành cho nền kinh tế Mỹ giữa lúc xuất hiện hàng loạt tin tiêu cực về số ca nhiễm Covid-19.

Khoản chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng trong tháng 5/2020 tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận từ năm 1959. Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 nhu cầu kinh tế tại Mỹ.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI