ĐHĐCĐ SMC: Lợi nhuận nửa đầu năm ước giảm 33%, cơ hội từ nhu cầu gia công thép dẹt cho doanh nghiệp FDI

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ SMC: Lợi nhuận nửa đầu năm ước giảm 33%, cơ hội từ nhu cầu gia công thép dẹt cho doanh nghiệp FDI

Hãng thép SMC nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu tăng lên của các sản phẩm thép dẹt gia công, hưởng lợi từ dòng dịch chuyển sản xuất hướng đến Việt Nam.

2019 là một năm thử thách của ngành thép với nhiều biến động từ kinh tế - chính trị, sức tiêu thụ toàn cầu và trong nước đều chậm lại, qua đó tác động làm giá thép biến động trong biên độ rộng.

Bước sang 2020 tiếp tục là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 bao trùm lấy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Tổng Giám đốc Đặng Huy Hiệp trình bày mở đầu Đại hội.

Tại ĐHĐCĐ thường niên CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) diễn ra sáng ngày 20/06. Ban lãnh đạo SMC trình cổ đông chỉ tiêu tiêu thụ 650 ngàn tấn thép dài và 600 ngàn tấn thép dẹt trong năm 2020, đều giảm xấp xỉ 5% so với năm trước. Theo đó, Công ty dự kiến đạt 15.2 ngàn tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 120 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 20%. Về phương án phân phối lợi nhuận, SMC dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10% cho năm 2020.

Qua nửa chặng đường của năm, Tổng Giám đốc SMC - ông Đặng Huy Hiệp cũng tiết lộ sản lượng ước tính 602 ngàn tấn, bằng 48% kế hoạch cả năm, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của SMC ước đạt 7 ngàn tỷ đồng và 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 33%.

Trong vô vàn khó khăn, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến tiềm năng của dòng vốn sản xuất đang muốn đa dạng hóa khỏi công xưởng thế giới - Trung Quốc.

Hoạt động của SMC trải dài trên 3 mảng thương mại, gia công (coil center) thép dẹt, mảng sản xuất. Trong năm 2019, mảng gia công có chuyển biến đáng chú ý khi SMC chuyển nhượng 65% vốn tại coil center Hà Nội cho Tập đoàn Hanwa - Nhật Bản để cùng đón đầu nhu cầu sản phẩm thép dẹt của dòng dịch chuyển sản xuất FDI tiềm năng tại khu vực miền Bắc.

SMC cũng dự kiến nâng tổng công suất tại nhà máy Sendo lên 200 ngàn tấn/năm trong 2020. Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng hoạt động gia công nhằm đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Từ tháng 3 vừa qua, SMC đã hoàn thành xây dựng nhà máy gia công thép SMC Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng và công suất giai đoạn đầu dự kiến 50 ngàn tấn/năm, và đưa vào sản xuất kinh doanh.

"Thực sự mà nói mục tiêu lợi nhuận 120 tỷ là đề ra vào cuối năm 2019, khi đó tình hình triển vọng tiêu thụ thép của 2020 khá tốt. Nhưng thực tế thì đầu 2020 đã gặp 'vô vàn khó khăn' đặc biệt là trong quý 2 vừa qua", Chủ tịch SMC - bà Nguyễn Thị Ngọc Loan chia sẻ.

Nữ Chủ tịch cho biết, SMC trước đây chỉ thuần làm thương mại nên lượng dự trữ không nhiều. Sau này khi dần chuyển sang thêm gia công và sản xuất, lượng tồn kho cho các hoạt động của Công ty cũng phải tăng lên. Điều này đặt một thách thức lớn cho công tác quản trị tồn kho của SMC, giữa bối cảnh quý 1/2020 giá thép cuộn cán nóng có biến động giảm từ mức mỗi tấn giá 500 USD xuống chỉ còn 400 USD. Ban điều hành SMC chia sẻ từng trăn trở về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đã đề ra. “Tuy nhiên, sau cân nhắc tính toán chúng tôi quyết định giữ mục tiêu”, Chủ tịch Loan nói.

Ngoài ra, hiện HĐQT của SMC vẫn đang khuyết một vị trí. Tuy nhiên, do 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ nên Ban lãnh đạo Công ty quyết định trình cổ đông thông qua việc không bầu bổ sung và sẽ tiến hành bầu mới toàn bộ HĐQT vào đại hội thường niên kế tiếp.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Thừa Vân

FILI