ĐHĐCĐ SCR: Mua 73 triệu cổ phiếu quỹ là bước đầu trong chiến lược gọi vốn

ĐHĐCĐ SCR: Mua 73 triệu cổ phiếu quỹ là bước đầu trong chiến lược gọi vốn

Nguồn vốn để CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land, HOSE: SCR) thực hiện mua lại 73 triệu cp quỹ đến từ lợi nhuận giữ lại, từ việc cơ cấu các khoản đầu tư khác… thậm chí Công ty cũng tính đến việc thương lượng với đối tác để huy động vốn thông qua đi vay, phát hành trái phiếu.

Kiện toàn các dự án hiện hữu trong các năm 2020 - 2022 

Sáng này 29/06, SCR đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 để thảo luận với cổ đông về định hướng kinh doanh trong năm 2020 cũng như giai đoạn tới.

ĐHĐCĐ thường niên của SCR tổ chức sáng 29/06

Năm 2020, SCR đặt mục tiêu bán trên 1,121 sản phẩm bất động sản dân dụng tại các dự án: Panomax, Jamona Heights, Belleza (tầng 1 - 6), Charmington Tân Sơn Nhất, Charmington IRIS, The West Bình Chánh.

Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh bán hơn 14 sản phẩm hàng tồn, bao gồm các dự án nhà phố, nhà liền kề, căn hộ chung cư… tại các dự án Carillon 1, Carillon 3 và Carillon 7, Jamona Heights, Jamona Golden Silk,...

SCR cũng có kế hoạch cho thuê mới trên 6,799 m2 sàn thương mại và phấn đấu đạt tỷ lệ lắp đầy 100% tại các dự án: TTC Plaza Bình Thạnh, TTC Plaza Âu Cơ, TTC Plaza Đức Trọng,…

Để có quỹ đất phát triển trong vài năm tới, SCR sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án: Panomax, Charmington Iris, Charmington Tân Sơn Nhất, Charmington Dragonic, The West Bình Chánh, Chamington Tamashi, River Pearl....

Với những kế hoạch trên, SCR đặt mục tiêu doanh thu 2,056 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn 65% xuống 120 tỷ đồng.

Về kinh doanh, theo ban lãnh đạo SCR, năm 2020 thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với một số thách thức đến từ việc chưa đồng bộ của hệ thống pháp lý (đặc biệt vấn đề đất công), vốn tín dụng bị siết chặt... đặc biệt là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường.

Mặc dù vậy, nhà ở vẫn ghi nhận nhu cầu cực kỳ cao, "dù có lúc trồi sụt nhưng trong tiềm thức thì bất động sản vẫn là loại hàng hóa phổ biến và có sức hút mãnh liệt với người dân Việt Nam", Công ty cho biết.

"Giai đoạn 2020-2022 Công ty đặt mục tiêu vừa củng cố vừa phát triển, trọng tâm sẽ kiện toàn lại những dự án hiện hữu. Chúng ta cũng biết, bất động sản vừa trải qua thiệt hại kép từ chính sách pháp lý đến dịch Covid-19, do đó 2 năm tới SCR chọn kiện toàn lại dự án hiện có. Sang năm 2023-2025, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm phát triển 3-4 dự án. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng được đội ngũ phát triển quỹ đất", ban lãnh đạo SCR cho hay.

Trước câu hỏi kế hoạch lợi nhuận giảm dù doanh thu tăng, ông Vũ Quốc Thái – Tổng Giám đốc SCR chia sẻ: "Đây là câu chuyện liên quan đến hạch toán. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, SCR phải tạm dừng xây dựng một tháng, ảnh hưởng đến trực tiếp đến ghi nhận doanh thu và lợi nhuận (một số dự án dự kiến hoàn thành vào cuối quý 4). Bên cạnh đó, câu chuyện pháp lý cũng tiếp tục diễn ra trong 2020. Chúng tôi đặt kế hoạch kinh doanh cũng tương đối thận trọng do lo ngại dịch Covid-19 có thể quay lại".

Mua cổ phiếu quỹ là bước đầu trong chiến lược huy động vốn

Bên cạnh đó, cổ đông SCR cũng thông qua phương án mua lại tối đa trên 73 triệu cp làm cổ phiếu quỹ (20% vốn điều lệ) bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận hoặc cả hai. Nguồn vốn thực hiện mua lại cổ phiếu được trích từ thặng dư vốn cổ phần, lãi sau thuế chưa phân phối hoặc quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Ông Bùi Tiến Thắng, Thành viên HĐQT đã có chia sẻ thêm với cổ đông về lộ trình huy động vốn cho việc đầu tư giai đoạn tới. Cụ thể, Công ty cho biết cách thức tìm kiếm sẽ bao gồm: Thứ nhất từ các các quỹ đầu tư hỗ trợ vốn, thứ hai là vay vốn – đặc biệt là vay vốn ngoại, thứ ba phát hành cho cổ đông chiến lược, cuối cùng Công ty cũng sẽ phát hành trái phiếu.

Như vậy, việc mua lại cổ phiếu quỹ là bước đầu tiên trong chiến lược huy động vốn dài hạn. Chủ trương mua cổ phiếu quỹ cũng là mục tiêu nhằm gia tăng giá trị lâu dài cho cổ đông; bao gồm việc cô đọng lại cổ đông nhỏ lẻ cũng như tăng thêm sự tập trung của nhà đầu tư lâu dài. Sau khi mua cổ phiếu quỹ, Công ty sẽ tiến hành tìm kiếm đối tác đầu tư dài hạn.

Về nguồn vốn mua vào, hiện thị giá SCR so với giá trị sổ sách theo ban lãnh đạo là thấp, như vậy việc thông qua mua cổ phiếu quỹ để tìm kiếm đối tác cũng là cách để tạo thặng dư cho Công ty. Nguồn vốn thực hiện cụ thể thì Công ty sẽ linh hoạt, từ lợi nhuận giữ lại, từ việc cơ cấu các khoản đầu tư khác… thậm chí Công ty cũng tính đến việc thương lượng với đối tác để huy động vốn thông qua đi vay, phát hành trái phiếu.

Công ty cũng dự kiến không chia cổ tức năm 2019. HĐQT cho biết, nhằm gia tăng giá trị tích lũy doanh nghiệp và hỗ trợ ban điều hành vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HĐQT sẽ trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2019 sau khi phân phối (gần 177 tỷ đồng) để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh.

Ông Nguyễn Đăng Thanh từ nhiệm để quay về làm tài chính – ngân hàng

Ngày 29/05 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Thanh đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của SCR với lý do theo nguyện vọng cá nhân.

Tại đại hội, ông Thanh chia sẻ thêm việc ông từ nhiệm sâu xa đến từ lý do cá nhân. Nhìn lại, ông Thanh tham gia SCR đã được một năm, hiện việc tái cơ cấu ở SCR cơ bản thực hiện xong. Ông Thanh nói thêm ông có kinh nghiệm làm tài chính - ngân hàng 20 năm do đó quay lại mảng tài chính ngân hàng có thể phù hợp hơn, đúng với lợi thế.

Theo đó, đại hội đã tiến hành bầu nhân sự thay thế. Kết quả, bà Nguyễn Thùy Vân sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT SCR. Hiện nay, bà Vân hiện là Thành viên HĐQT CTCP Điện Gia Lai (GEC) và Trưởng Kiểm toán CTCP Đầu tư Thành Thành Công.

Như vậy, thành viên HĐQT nhiệm kì mới gồm: Ông Vũ Quốc Thái, bà Nguyễn Thùy Vân, ông Phạm Phú Tuấn và ông Nguyễn Thành Chương.

Chí Kiên

FILI