ĐHĐCĐ CII: Mảng bất động sản sẽ đóng vai trò chủ đạo, không đặt nặng vào dự án Thủ Thiêm

ĐHĐCĐ CII: Mảng bất động sản sẽ đóng vai trò chủ đạo, không đặt nặng vào dự án Thủ Thiêm

Sáng ngày 02/06/2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã được tiến hành. Qua đó, những vấn đề trọng điểm của Công ty đã được cổ đông thông qua như chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2020, kế hoạch huy động ngàn tỷ đồng trái phiếu, điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức 2019 cùng 1 số vấn đề có liên quan khác.

* Doanh nghiệp xây dựng thận trọng “xây” kế hoạch cho năm 2020

* Lãi ròng 2019 của CII giảm hơn 524 tỷ đồng sau kiểm toán

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CII sáng ngày 02/06/2020

Lãi 2019 giảm mạnh sau kiểm toán, CII hạ tỷ lệ chia cổ tức, trình đổi kiểm toán

Năm 2019, CII mang về 1,813 tỷ đồng doanh thu thuần và 522 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm đến 32% về doanh thu nhưng lại tăng đến 43% về lợi nhuận so với kết quả đạt được ở năm 2018. Dù vậy kết quả này của Công ty đã giảm đi đáng kể so với trước khi kiểm toán.

Do khá nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và Công ty liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí, CII đã trình cổ đông để được thay đổi đơn vị kiểm toán trong năm nay và được cổ đông thông qua.

Ngoài ra, Công ty cũng hạ tỷ lệ chia cổ tức 2019 cho cổ đông từ 32% (bao gồm 16% bằng tiền mặt và 16% có thể bằng cổ phiếu/tiền mặt/ cổ phiếu và tiền mặt) xuống còn 12% bằng tiền mặt với nguyên nhân phần lớn lợi nhuận đã bị “cắt bớt” sau kiểm toán. Dự kiến, CII sẽ thực hiện chi cổ tức 2019 cho cổ đông vào quý 3/2020.

Đối với việc phân phối lợi nhuận cho năm 2020, CII đề xuất mức chia cổ tức 16% bằng tiền mặt.

Lên hai kịch bản cho năm 2020, CII vẫn đang lo lắng

Theo ông Lê Quốc Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CII, kết quả kinh doanh năm 2020 của Công ty phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ phê duyệt hồ sơ pháp lý của dự án và đây là một yếu tố rất khó xác định trong bối cảnh các quy định pháp luật liên tục bị thay đổi trong giai đoạn 2018 - 2019. Qua đó, sau khi cân nhắc các tình huống có thể xảy ra, CII đã đề xuất 2 kế hoạch kinh doanh cho năm 2020, với 1 phương án thận trọng và 1 phương án khả quan. Trong đó, kế hoạch khả quan dựa trên giả định các hồ sơ pháp lý được thực hiện đúng tiến độ đã đề ra.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh của CII trong năm 2020
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên CII năm 2020

Tuy nhiên, ông Bình cũng chia sẻ “Đến giờ này chúng tôi bắt đầu lo lắng về kế hoạch kinh doanh năm 2020 bởi đây là kế hoạch đã được Công ty đặt ra từ cuối năm 2019. Nếu tình trạng pháp lý vẫn trì trệ như hiện tại sẽ rất khó khăn cho Công ty.” Dù vậy, ban lãnh đạo của CII vẫn tin tưởng Công ty sẽ hoàn thành được kế hoạch với nguồn thu chính đến từ mảng bất động sản.

Cụ thể, trong phần thảo luận với cổ đông, ông Bình cho hay lợi nhuận bất động sản sẽ bao gồm khoảng 800 tỷ đồng đến từ dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi của NBB. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ bán 2 khu đất của NBB và Dự án 152 Điện Biên Phủ và dự kiến thu về hơn 800 tỷ đồng.

CII lên kế hoạch chi tiết cho các dự án bất động sản
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên CII năm 2020

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của CII cũng lưu ý việc hoạch toán doanh thu lợi nhuận của Công ty có thể bị phân bổ một phần sang năm 2021 nếu Công ty chưa kịp bàn giao nhà để đủ điều kiện ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán.

Đối với mảng hạ tầng cầu đường và thu phí giao thông, CII dự kiến sẽ có mức đóng góp như mọi năm, rơi vào khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận được CII kỳ vọng đưa vào thu phí từ quý 2/2020, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội sẽ bắt đầu dự kiến hoàn vốn trong năm 2020, lý tưởng là từ đầu tháng 8.

Ngoài ra, ông Bình cho hay sẽ không đặt nặng vào Dự án BT Thủ Thiêm như các năm trước bởi dù được Thủ tướng Chính phủ bắt đầu phê duyệt dự án từ năm 2017, nhưng sau đó dự án liên tục bị vướng thanh tra, sau thanh tra lại vướng pháp lý đến giờ phút này vẫn chưa thấy kết quả. Qua đó, CII chỉ đặt mục tiêu đưa dự án BT Thủ Thiêm bắt đầu thi công vào quý 3/2020.

Ngoài các dự án trên, CII vẫn còn một số dự án hạ tầng cầu đường và thu phí giao thông khác như Dự án BOT Cầu Rạch Miễu và Mở rộng QL60, Dự án DT 741, Dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Dự án Cầu Cổ Chiên.

Đối với mảng hạ tầng nước, Hiện CII đang có 4 dự án trọng điểm bao gồm Tân Hiệp 2, Củ Chi, Gia Lai và Saigon - Dankia với dự án Tân Hiệp 2 được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng bán nước lên 300 ngàn m3/ngày và dự án Saigon - Dankia sẽ tăng sản lượng tiếp nhận từ 25 ngàn m3/ ngày đêm lên 27 ngàn m3/ ngày đêm. Công ty hướng tới 3 mục tiêu chính là tăng sản lượng nước sử dụng của người dân, tăng sản lượng lượng nước sử dụng của các khu công nghiệp và tăng giá nước. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của CII cũng cho hay mảng hạ tầng nước này sẽ không mang lại lợi nhuận cho Công ty trong năm nay.

Cần huy động hơn 8,100 tỷ đồng

Để đảm bảo nguồn lực phát triển trong năm 2020, CII dự kiến cần tổng dòng thu lên đến 8,140 tỷ đồng. Trong đó, Công ty đã thu về được 4,400 tỷ đồng sau quý đầu năm, tương đương đạt 55% kế hoạch. Trong 9 tháng còn lại, CII dự kiến sẽ có 3 đợt huy động vốn với giá trị của các đợt đạt 1,200 tỷ đồng, 1,600 tỷ đồng và 800 tỷ đồng.

Dựa trên ý kiến đóng góp của cổ đông, CII đã quyết định điều chỉnh phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền sang phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị phát hành tối đa đạt gần 1,200 tỷ đồng (Trái phiếu 1).

Sở dĩ thực hiện thay đổi bởi trái phiếu kèm chứng quyền là loại chứng khoán không được niêm yết, do đó thanh khoản kém, sẽ gây khó khăn cho cổ đông nếu muốn giao dịch. Tuy nhiên, đối với cổ đông là tổ chức, việc giao dịch chứng quyền có thể bán trọn lô, do đó CII vẫn giữ nguyên phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kèm chứng quyền cho cổ đông chiến lược với tổng giá trị lên đến 1,600 tỷ đồng (Trái phiếu 2), mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Theo như bật mí của Công ty, đây là cổ đông Ngân hàng, CII sẽ tiết lộ cụ thể sau khi đã ký hợp đồng.

Thực tế, việc phát hành trái phiếu 2 chỉ được Công ty thực hiện nếu như tổng số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu 1 thấp hơn 800 tỷ đồng. Ngoài ra, CII cũng đã thay đổi cách tính giá phát hành cho cổ đông chiến lược trong đại hội lần này. Cụ thể, giá phát hành trái phiếu 2 sẽ bằng 110% giá đóng cửa cổ phiếu CII bình quân 10 ngày liền kề (trước ngày HĐQT thông qua hồ sơ đăng ký chào bán), nhưng không thấp hơn giá phát hành trái phiếu 1 (cho cổ đông hiện hữu), và không vượt quá 26,000 đồng/cp.

Kỳ hạn của 2 loại trái phiếu trên đều là 5 năm, lãi suất 11%/năm và trả lãi 6 tháng/lần.

Huy động 1,600 tỷ đồng từ cổ phiếu nhằm dự phòng trả gốc và lãi trái phiếu

Cụ thể, nhằm dự phòng nguồn để trả nợ trái phiếu, CII cũng đã trình thông qua phương án chào bán tối đa 160 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp. Trong trường hợp cổ đông không mua hết, Công ty được ủy quyền chào bán toàn bộ phần còn lại cho trái chủ bằng đúng giá chào bán trước đó.

Ngoài ra, nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành cũng như giảm rủi ro pha loãng cho các cổ đông hiện hữu, CII dự kiến mua lại 53 triệu cp để làm cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện 5 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu.

Như Xuân

FILI