Covid-19 thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân

Covid-19 thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân

“Thói quen thanh toán, mua hàng bằng tiền mặt bị Covid-19 làm ảnh hưởng, thay đổi”, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử VECOM - nhận định tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” tổ chức sáng ngày 12/06/2020.

Khi người dân hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ và tạp hóa, mua sắm online là kênh được lựa chọn thay thế, song song đó là tích cực thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.

"Nếu trước kia, sự chuyển đổi này còn khó khăn thì qua mùa dịch, việc thay đổi tiến hành nhanh hơn do môi trường bắt buộc", ông Dũng nói.

Thống kê tại 4 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho thấy lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước.

Mỗi ngày, có khoảng 4 triệu lượt truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Mùa dịch này, đặt hàng và thanh toán trước qua app cũng tăng dần.

"Thanh toán không tiền mặt tăng nhưng không đột biến vì chưa có chuẩn bị. Và những công ty, người bán hàng đã chuẩn bị cho thanh toán online trở thành những 'ngư ông' đắc lợi", ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cho rằng dịch Covid-19 đã hình thành thói quen mua sắm online, thanh toán online, thanh toán qua app (ứng dụng) và thói quen ấy sẽ kéo dài sau dịch. Với thị trường internet giá trị trên 20 tỷ USD, thời gian tới, nếu khuyến khích thanh toán không tiền mặt thì cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được thuế, minh bạch thông tin.

Các diễn giả tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai".

Thanh toán điện, học phí và mua vé máy bay không dùng tiền mặt ngày càng tăng

Trước khi có dịch, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng, tuy nhiên, từ khi thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19 thì thanh toán không dùng tiền mặt càng đươc đẩy mạnh như đóng học phí, mua sắm, thanh toán tiền điện, nước…

Về thanh toán tiền điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, cho biết EVN đang áp dụng thu tiền điện tại quầy giao dịch, điểm thu tập trung, thu qua các kênh dịch vụ của ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán như trích nợ tự động, ATM, internet Banking, mobile Banking, ví điện tử,…

Theo thống kê của EVN, tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm, từ gần 15% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% số hóa đơn năm 2019. Trong đó, năm 2019, phương thức không dùng tiền mặt là gần 55% về số hóa đơn và hơn 72% về tiền điện. Trong tương lai, ngành điện sẽ giảm dần và tiến đến chấm dứt thu tiền điện tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến. 

Xác định thanh toán không tiền mặt là tất yếu, bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air - cho biết trước khi Vietjet tham gia thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ mua vé online chỉ 8% nhưng hiện nay, tỷ lệ đã thay đổi lên 99.99%, và doanh thu hơn 2.5 tỷ USD không dùng tiền mặt.

Chia sẻ về kinh nghiệm thanh toán học phí không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank - cho biết đến nay, việc nộp học phí không tiền mặt đã được Sacombank triển khai đến hơn 300 trường, với hơn 200,000 thẻ học đường được phát hành, và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần. 

Hàn Đông

FILI