Chuyện mở tài khoản chứng khoán

Chuyện mở tài khoản chứng khoán

Muốn gửi gắm tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm là mở tài khoản chứng khoán.

Nhu cầu thiết yếu trên thị trường chứng khoán

“Mở tài khoản chứng khoán ở ‘sàn’ nào?” là câu hỏi thường nghe được từ những cá nhân mới đang có ý định bước chân vào thị trường chứng khoán. Câu hỏi này có thể hàm ý “làm sao để có thể giao dịch chứng khoán” và cũng ý là “mở tài khoản ở công ty chứng khoán nào thì hợp lý”.

Đặt ra câu hỏi trên là chính đáng vì ở phương diện người tiêu dùng ai cũng muốn tham khảo, tìm hiểu trước khi mua hàng hóa, dịch vụ. Nhất là đối với những người mới tìm đến thị trường chứng khoán, còn bỡ ngỡ với thị trường thì câu hỏi này lại càng cần thiết.

Bên cạnh việc tìm hiểu những yếu tố cơ bản khi tham gia như cổ phiếu là gì, giao dịch cổ phiếu ra sao?... thì nhà đầu tư cũng luôn quan tâm về các yếu tố phí, thuế giao dịch, hệ thống giao dịch, nhận tư vấn đầu tư từ đội ngũ của CTCK, mức độ uy tín của CTCK… vì đây là các yếu tố ảnh hưởng không ít tới kết quả của họ trên thị trường chứng khoán.

Trong khoảng thời gian đầu năm 2020 thị trường chứng khoán lại trở thành kênh đầu tư được nhiều người chú ý tới. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong 3 tháng gần đây (tháng 3,4 và 5/2020), có tới gần 100,000 tài khoản nhà đầu tư đã được mở mới. Trong bối cảnh này nhu cầu tìm công ty mở tài khoản chứng khoán lại càng gia tăng.

* Các lớp học phân tích và đầu tư chứng khoán sắp khai giảng

* Sách Phân tích kỹ thuật từ A đến Z

* Sách Cách tư duy và giao dịch như một nhà vô dịch đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư mới nên ưu tiên chất lượng tư vấn hơn phí giao dịch

Lại nói thêm, thị trường hiện tại có khoảng trên 70 CTCK đang hoạt động. Số CTCK này đủ để làm rối nhà đầu tư trong việc lựa chọn nơi mở tài khoản. Chưa kể tình hình cạnh tranh gay gắt làn sóng giảm, miễn phí giao dịch, giảm lãi margin đang lan rộng trong nhóm nên các CTCK cũng đua nhau đưa ra sản phẩm, dịch vụ đa dạng để thu hút khách hàng khiến những “tay chơi mới” lại càng gặp khó trong việc lựa chọn bến đỗ.

Nhà đầu tư nên chấp nhận mức phí như thế nào, miễn phí giao dịch có điểm cộng điểm trừ gì, chịu phí giao dịch thì được hưởng lợi gì về dịch vụ?

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Kim Chi – Sáng lập nhóm đầu tư HelloStock đánh giá rằng nhu cầu của nhà đầu tư thực tiễn trên thị trường chứng khoán là hết sức đa dạng, các CTCK nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung chưa theo kịp nhu cầu này. Để đơn giản hóa trong việc chọn lựa CTCK, ông Chi khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn các công ty thuộc top 10 thị phần môi giới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM năm 2019.

Ông Chi chỉ ra một số yếu tố quan trọng nhà đầu tư nên quan tâm đến khi mở tài khoản gồm chi phí vốn (các loại phí giao dịch và lãi vay); công nghệ: bao gồm tính ổn định, thân thiện khi giao dịch cổ phiếu; đặc biệt nhất là các sản phẩm dịch vụ tư vấn đầu tư do Công ty chứng khoán triển khai. Thêm vào đó là quy mô và uy tín của Công ty chứng khoán trên thị trường.

Trong đó, nhà đầu tư nên cân nhắc chọn thứ tự ưu tiên các khía cạnh cốt lõi trong việc lựa chọn CTCK. Ông Chi cho rằng với góc độ nhà đầu tư mới thì chất lượng tư vấn nói chung sẽ là yếu tố có tính sống còn, tính quyết định. Về góc độ này sẽ bao gồm: công cụ tư vấn, các sản phẩm dịch vụ tư vấn, đội ngũ làm viêc, chú trọng chuyên viên tư vấn trực tiếp, quy trình kiểm soát rủi ro, quản trị danh mục đầu tư, các quy tắc lựa chọn cổ phiếu và thời điểm giải ngân. Nhà đầu tư có thể chọn lựa tách biệt công ty chứng khoán miễn đảm bảo chất tượng đầu tư và cân bằng với chi phí giao dịch, chi phí chỉ là yếu tố phụ mà thôi.

Ông Chi khẳng định lợi ích của việc mở tài khoản ở các công ty cạnh tranh về phí là chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch sẽ được tiết kiệm, theo thời gian khoản phát sinh này là không nhỏ, tuy nhiên điểm hạn chế các công ty này có thể nằm ở chất lượng tư vấn đầu tư chưa được chú trọng, cũng như thiếu tính đồng nhất, vì thế nhà đầu tư có thể bị thiệt hại do làm việc cùng đội nhóm chưa đảm bảo yếu tố này. Theo đó, nhà đầu tư nên xem xét kỹ để chọn lựa phù hợp với sự chuẩn bị của bản thân về kiến thức kinh nghiệm trong đầu tư.

Trong khi đó, các công ty có mức phí cao hàm chứa yếu tố chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ tốt hơn do họ mất thời gian, công sức và chi phí để xây dựng.

Anh Nguyễn Huy Quang – Cựu môi giới của CTCK nằm trong top 3 thị phần chia sẻ, môi giới chứng khoán cũng là một loại dịch vụ, vậy nên cũng có những đặc thù cơ bản như các loại hàng hóa dịch vụ khác là chất lượng phụ thuộc rất lớn vào con người.

Giá dịch vụ môi giới – phí giao dịch, phụ thuộc vào giá trị nhà đầu tư giao dịch. Hầu hết các công ty đều có chính sách giá bậc thang để khuyến khích nhà đầu tư giao dịch, giá trị nhà đầu tư càng mua bán càng lớn thì mức % tính trên giá trị càng nhỏ.

Còn về chất lượng dịch vụ của một công ty chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chăm sóc khách hàng, chất lượng bài nghiên cứu, hệ thống công nghệ thông tin…

Có nhiều công ty khác cung cấp dịch vụ môi giới và giá cả rất khác nhau, hoặc cùng một công ty có thể áp dụng những chính sách giá và dịch vụ khác nhau cho nhà đầu tư. Theo đó, anh Quang khuyên nhà đầu tư nên dùng vị thế “thượng đế” của mình để mở tài khoản tại 2 công ty trở lên, cảm nhận giá cả và chất lượng dịch vụ có phù hợp với mình hay không trước khi quyết định bỏ tiền vào bên nào.

Song song đó, nhà đầu tư còn cần phải xác định rõ nhu cầu và mục tiêu của mình khi đầu tư. Nếu nhà đầu tư đã có sẵn kiến thức cũng như khả năng phân tích doanh nghiệp, chỉ cần một công ty có hệ thống công nghệ ổn định và mức giá giao dịch rẻ thì sẽ đáp ứng nhu cầu này. Anh Quang chia sẻ thêm nếu nhà đầu tư chỉ tham gia thị trường để thử độ may rủi, thích đầu cơ hơn đầu tư thì các công ty có môi giới áp đảo cùng với những chính sách giảm phí giao dịch rất thấp (kèm theo những rủi ro cao) có lẽ phù hợp với với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm biểu phí giao dịch của các CTCK tại đây

* CTCK nào có phí giao dịch thấp nhất?

* [Infographic] Biểu phí giao dịch phái sinh của các công ty chứng khoán

Chí Kiên

FILI