Ám ảnh về số ca nhiễm Covid-19, Dow Jones “bốc hơi” 700 điểm

Ám ảnh về số ca nhiễm Covid-19, Dow Jones “bốc hơi” 700 điểm

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (26/06) sau khi bang Texas ngừng một số biện pháp tái mở cửa, làm gia tăng lo ngại về sự gia tăng đột biến mới nhất của đại dịch Covid-19 và tác động của nó đến nền kinh tế, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 730.05 điểm (tương đương 2.8%) xuống 25,015.55 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 2.4% xuống 3,009.05 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 2.6% còn 9,757.22 điểm.

Đà giảm điểm này đã khiến các chỉ số chính ghi nhận tuần sụt giảm thứ 2 trong 3 tuần. Dow Jones và S&P 500 lần lượt sụt 3.3% và 2.9% trong tuần qua, còn Nasdaq Composite giảm 1.9%.

Bang Texas đã yêu cầu tất cả các quán bar và cơ sở nhận được ơn 51% tổng doanh thu từ đồ uống có cồn phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, các nhà hàng phải giới hạn giới hạn số khách ăn uống tại chổ thấp hơn 50% công suất. “Thời điểm này, rõ ràng rằng sự gia tăng số ca nhiễm chủ yếu bởi một số loại hình hoạt động nhất định, bao gồm việc người dân Texas tụ tập ở các quán bar”, Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết.

Florida cũng thông báo sẽ tạm ngừng việc tiêu thụ rượu bia tại các quán bar ở bang này sau khi báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 vọt gần 9,000 ca. Tại Arizona, số ca nhiễm tăng 5.4%, vượt mốc bình quân  ngày là 2.9%. Ở cấp độ quốc gia, số ca nhiễm Covid-19 bình quân mỗi ngày hiện đã hơn 33,000 ca.

Cổ phiếu các công ty được hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế đã lao dốc. Theo đó, cổ phiếu United Airlines, American và Delta đều giảm hơn 3%. Cổ phiếu nhà điều hành du thuyền Norwegian Cruise sụt 5%.

Jon Hill, Chiến lược gia tỷ giá tại BMO, nhận định nỗi lo về dịch bệnh đã khiến nhà đầu tư suy nghĩ lại về vị thế trước cuối tuần, tương tự như động thái giao dịch hồi tháng 3 và tháng 4/2020. Điều này có lợi cho trái phiếu và tiêu cực đối với cổ phiếu, khi nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế có thể không phục hồi mạnh như mong đợi. “Rất có khả năng một số lạc quan mà chúng ta đã thấy trong các dữ liệu có thể giảm mạnh vào tháng 7 và tháng 8”.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm rớt xuống mức đáy kỷ lục 0.29%. Lợi suất kỳ hạn 3 năm cũng giảm xuống mức thấp mọi thời đại là 0.17%. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá.

Nhóm ngân hàng chịu sức ép sau kiểm tra của Fed

Đợt kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với các ngân hàng lớn cho thấy vốn tại một số ngân hàng có thể giảm về mức tối thiểu trong những kịch bản liên quan đến đại dịch Covid-19.

Vì điều này, các ngân hàng phải tạm ngưng chương trình mua cổ phiếu và giới hạn khoản chi trả cổ tức ở mức hiện tại trong quý 3/2020. Wells Fargo và Capital One có thể bị buộc phải cắt khoản chi trả cổ tức, theo một nhà phân tích của Morgan Stanley.

“Mặc dù tôi hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục quản lý các động thái vốn và rủi ro thanh khoản một các cẩn trọng, và để hỗ trợ nền kinh tế thật sự, nhưng đang có sự không chắc chắn to lớn về lộ trình phục hồi kinh tế”, Phó Chủ tịch Fed Randall Quarles nói trong một tuyên bố.

Thông báo này đã khiến cổ phiếu các ngân hàng chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 5%. Cổ phiếu Wells Fargo rớt 7.4%, còn cổ phiếu Goldman Sachs sụt 8.7%.

Trong khi đó, cổ phiếu Nike mất 7.6% sau kết quả lỗ đầy bất ngờ trong quý. Công ty ghi nhận khoản lỗ 51 xu trên mỗi cổ phiếu và doanh thu 6.31 tỷ USD trong quý 4, tức giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày thứ Sáu bất chấp sự gia tăng kỷ lục trong chi tiêu tiêu dùng tháng 5/2020. Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Sáu cho biết chi tiêu đã tăng 8.2% trong tháng trước, một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh số thông tin tiêu cực về dịch Covid-19 ngày càng nhiều.

Khoản chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng trong tháng 5/2020 tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận từ năm 1959. Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 nhu cầu kinh tế tại Mỹ.

An Trần

FILI