Tiki và Sendo đồng ý sáp nhập

Tiki và Sendo đồng ý sáp nhập

Trong một thương vụ sáp nhập khủng trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Tiki và Sendo được cho là đã nhất trí sáp nhập với nhau, dựa trên nguồn tin từ DealStreetAsia.

“Cuộc đàm phán rất nghiêm túc và các cổ đông đều tán thành”, một nguồn tin thân cận cho biết. Tiki – do JD.com hậu thuẫn – và Sendo – do SoftBank Ventures Asia hậu thuẫn – được cho là đang làm việc với các nhà điều hành, bao gồm các cơ quan chống độc quyền, để có được “cái gật đầu” cho thương vụ sáp nhập này.

Trước đó, trong tháng 2/2020, DealStreetAsia cũng đã ghi nhận thông tin hai ông lớn thương mại điện tử này đang đàm phán sáp nhập.

Mặc dù vẫn còn chưa rõ về những thông tin chi tiết về thương vụ sáp nhập và cấu trúc thỏa thuận, nhưng có thể hiểu rằng hai thương hiệu này sẽ được giữ lại dưới sự kiểm soát của 1 công ty holding.

Các cổ đông nước ngoài ở Tiki và Sendo chiếm tỷ lệ sở hữu tương ứng là 49.7% và 63.1%, theo tài liệu mà DealStreetAsia có được.

Luật cạnh tranh mới của Việt Nam – vừa có hiệu lực từ giữa năm 2019 – đã loại bỏ ngưỡng giới hạn 50% thị phần trước đây. Thay vào đó, luật mới hiện quy định việc sáp nhập và chiếm hơn 50% thị phần sẽ bị cấm nếu tác động quá lớn đến tình hình cạnh tranh trong nước.

Thương vụ sáp nhập Tiki-Sendo sẽ được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (NCC) đánh giá dựa trên tiêu chí: Sức ảnh hưởng của những công ty trước và sau sáp nhập, mối quan hệ của các doanh nghiệp này với chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh sau khi sáp nhập, khả năng dẫn tới việc tăng giá hàng hóa đáng kể và khả năng gây cản trở cạnh tranh sau sáp nhập.

Tuy nhiên, luật mới cũng xem xét đến các tác động tích cực từ thỏa thuận M&A, bao gồm thúc đẩy đổi mới công nghệ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

“Để duy trì một nền tảng thương mại điện tử cần có lượng đầu tư khổng lồ - vốn là điều không tưởng với các SME. Chỉ có các ông lớn đã thành công trong lĩnh vực này mới có thể. Luật mới đã loại bỏ định kiến rằng việc sáp nhập sẽ tác động tiêu cực đến cạnh tranh”, ông Nguyễn Anh Tuấn, đối tác sáng lập của công ty luật LNT & Partners, nhận định.

Trong báo cáo ghi nhận trước đó vào ngày 10/02, giới quan sát ngành thương mại điện tử cho rằng trong thương vụ sáp nhập này, Tiki và Sendo có thể không nhập hai hoạt động làm một, vì hai công ty có mô hình kinh doanh và tệp khách hàng khác nhau.

Tiki phần lớn phục vụ cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn – chủ yếu là Hà Nội và Tp.HCM – và những cá nhân ý thức cao về hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sendo được những người ở vùng ngoại ô và nông thôn ưa chuộng hơn. Thông qua thương vụ này, họ sẽ có phạm vi tiếp cận trên toàn quốc gia và cơ sở người tiêu dùng lớn hơn. Ngoài ra, việc về chung 1 nhà còn được xem là cách để huy động vốn dễ dàng hơn.

Cả Tiki và Sendo đều là nền tảng thương mại điện tử được tài trợ vốn nhiều nhất tại Việt Nam.

Đợt gọi vốn gần nhất của Tiki là do quỹ đầu tư vốn tư nhân Northstar Group dẫn dắt. Mặc dù không biết rõ về giá trị của khoản đầu tư này, nhưng trong năm 2019, Tiki mong muốn huy động 75 triệu USD – thậm chí có thể lên đến 100 triệu USD. Trước đó, ông lớn thương mại điện tử này gọi vốn thành công gần 62 triệu USD từ các nhà đầu tư như CyberAgent Capital, Sumitomo Corporation, kỳ lân VNG của Việt Nam, JD.com của Trung Quốc, EDBI của Singapore, cũng như các quỹ của Hàn Quốc như SparkLabs Ventures, Korea Investment Partners và STIC Invesments.

Ngoài ra, Tiki còn huy động vốn (bằng nợ) từ InnoVen Capital. Quỹ đầu tư Nhà nước Singapore Temasek và United Overseas Bank (UOB) cũng tham gia vào vòng gọi vốn này.

Trong khi đó, Sendo huy động hơn 130 triệu USD cho tới nay. Cụ thể, Sendo huy động thành công 61 triệu USD trong vòng Series C từ các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư mới như quỹ đầu tư vốn mạo hiểm EV Growth của Indonesia và Beacon Ventures Capital thuộc Thai Kasikornbank. Các cổ đông khác của Sendo bao gồm SBI Holdings, Softbank Ventures Asia, Beenext, Beenos, Daiwa PI Partners và Econtext Asia.

Vũ Hạo (Theo DealStreeAsia)

FILI