Ngồi chờ cứu trợ, hãng hàng không hàng đầu châu Âu "đốt" hơn 1 triệu USD mỗi giờ

Ngồi chờ cứu trợ, hãng hàng không hàng đầu châu Âu "đốt" hơn 1 triệu USD mỗi giờ

Lufthansa đang đốt dự trữ tiền mặt ở mức 1 triệu Euro/giờ (tương đương 1.1 triệu USD).

Hãng hàng không hàng đầu châu Âu này đang mắc kẹt trong những cuộc trao đổi với Chính phủ Đức về các điều khoản của một gói cứu trợ trong một nỗ lực tránh phá sản, đồng thời kiểm soát sức ảnh hưởng của Chính phủ.

Hãng hàng không hàng đầu châu Âu Lufthansa đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên trực tuyến, tiết lộ khoản lỗ 1.2 tỷ Euro trong quý 1/2020 (tương đương 1.3 tỷ USD), đồng thời vẽ ra bức tranh u ám cho ngành hàng không toàn cầu – một nạn nhân của đại dịch Covid-19.

Lufthansa từ chối trả lời câu hỏi của cổ đông về những thông tin chi tiết của cuộc trao đổi với Chính phủ, theo Bloomberg. Tuần trước, hãng hàng không này cho biết Chính phủ Thụy Sỹ đã đồng ý bảo lãnh khoảng 85% cho gói vay 1.5 tỷ USD cho mảng kinh doanh tại nước này. Ngoài ra, Lufthansa cũng đang sở hữu các hãng hàng không tại Đức, Áo và Bỉ.

Ngày 01/05, tờ Der Spiegel và Bloomberg đưa tin rằng Lufthansa đang đàm phán một gói cứu trợ 10 tỷ Euro (tương đương 10.8 tỷ USD) với Đức. Theo đó, Chính phủ Đức sẽ sở hữu 25.1% công ty và có một ghế trong ban kiểm soát.

Lufthansa từ chối bình luận về thông tin trên. Thế nhưng, công ty cho biết trong một lá thư gửi cho nhân viên vào ngày 03/05 rằng họ tin là các cuộc đàm phán “có thể nhanh chóng kết thúc”.

“Sự hỗ trợ của Chính phủ Đức sẽ là một nước cờ quyết định đối với tương lai của chúng tôi”, ban lãnh đạo Lufthansa viết trong lá thư. “Khả năng cạnh tranh và đầu tư tiếp tục là điều kiện tiên quyết cho việc này”.

Các chuyên viên phân tích lo ngại rằng sự can thiệp của Chính phủ có thể kìm hãm Lufthansa về khả năng nhanh chóng thực hiện chương trình tái cấu trúc theo dự kiến. Trước đó, Lufthansa định giảm 13% đội bay và do đó, có thể sa thải 10,000 nhân viên. Khoảng 2/3 nhân viên của Lufthansa (hơn 80,000 người) đã giảm bớt giờ làm việc.

Vào ngày 05/05, CEO Lufthansa, Carsten Spohr nhấn mạnh Lufthansa muốn giữ lại “quyền tự do quyết định và hành động”. “Do đó, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Chính phủ nhưng không cần sự quản lý từ họ”, ông nói với các cổ đông.

Việc thêm vào “thành phần chính trị” vào ban kiểm soát của Lufthansa sẽ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, vì lịch sử đã cho thấy sự hành động quả quyết lfa cách tốt nhất để giúp hãng hàng không tồn tại qua khủng hoảng, Daniel Roeska, Chuyên viên phân tích và nghiên cứu cấp cao tại Bernstein, nhận định.

 “Mối lo ngại chiến lược lớn hơn là sức ảnh hưởng của Chính phủ tới Lufthansa sẽ kéo dài bao lâu”, ông nói thêm. “Chúng tôi hy vọng rằng nhà đầu tư cũng có cơ hội trong đợt huy động vốn bằng cổ phiếu để minh chứng cho sự hỗ trợ của họ dành cho công ty”.

Một vài hãng hàng không lớn ở châu Âu và Mỹ đã tìm cách huy động vốn từ nhà đầu tư và cầu cứu Chính phủ để sống sót qua cuộc khủng hoảng mang tên “Covid-19”.

Tất nhiên, những thỏa thuận cứu trợ cũng đi kèm với điều kiện, bao gồm thỏa thuận cắt giảm bớt lượng khí thải và tạm thời cấm sa thải nhân viên của các hãng hàng không Mỹ. Tại sự kiện Trao đổi Khí hậu Petersberg trong tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng dù đối phó với dịch Covid-19 bằng cách tung ra gói kích thích kinh tế, nhưng các chính phủ cũng không nên ngoảnh mặt với mục tiêu bảo vệ khí hậu.

Vào ngày thứ Hai (04/05), hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air cho biết họ đủ điều kiện để nhận gói cứu trợ 3 tỷ Krone (tương đương 288.7 triệu USD) từ Chính phủ, sau khi các bên cho thuê và trái chủ đồng ý chuyển đổi gần 1 tỷ USD nợ thành cổ phiếu và các cổ đông cũng bật “đèn xanh” cho phương án phát hành thêm cổ phiếu.

Chính phủ Pháp đã đứng ra hậu thuẫn cho khoản vay lên đến 7 tỷ Euro (tương đương 7.6 tỷ USD) của Air France-KLM trong tháng trước, nhưng đi kèm với cam kết giảm bớt lượng khí thải carbon bớt 50% vào năm 2024 (so với năm 2019).

Một người phát ngôn của Lufthansa tuần trước cho biết trên CNN rằng việc phải giảm công suất bay do đại dịch cũng đang tăng tốc quá trình thải loại các máy bay cũ với hiệu suất nhiên liệu thấp. Dù vậy, các biện pháp quản lý khủng hoảng cũng đồng nghĩa việc đầu tư cho tương lai, như vào nhiên liệu bền vững, sẽ khó khăn hơn.

“Nếu chúng tôi dự định tiếp tực thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong tương lai, thì việc khôi phục lại sức mạnh kinh tế càng nhanh càng tốt quả thực rất quan trọng”, vị phát ngôn này cho biết.

Lufthansa đang đốt dự trữ tiền mặt ở mức 1 triệu Euro/giờ (tương đương 1.1 triệu USD), Spohr cho biết vào ngày thứ Ba (05/05). “Tất cả nỗ lực của chúng tôi đã bị hủy hoải bởi một sự kiện duy nhất. Chẳng ai lường trước được tình cảnh này”, ông nói.

Đến nay, các hãng bay hàng đầu châu Âu đã thông báo có thể cắt giảm tới 35.000 việc làm, vì phải thu hẹp hoạt động khi người dân ít đi máy bay hơn.

"Thói quen di chuyển của mọi người sẽ thay đổi, cả về công tác lẫn du lịch. Việc này sẽ khiến hàng không toàn cầu phải tái cấu trúc", Spohr cho biết.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FILI