KIDO Foods muốn sáp nhập vào Tập đoàn KIDO

KIDO Foods muốn sáp nhập vào Tập đoàn KIDO

Ban lãnh đạo CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods, UPCoM: KDF) sẽ trình cổ đông phương án sáp nhập vào Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào ngày 09/06 tới. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến là 1:1.3.

Theo dự thảo sáp nhập, vào ngày hoán đổi, KDC sẽ phát hành thêm cổ phiếu (KDC) cho các cổ đông của KDF theo danh sách cổ đông hưởng quyền (ngoại trừ cổ đông là chính KDC) để đổi lấy 32.79% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của KDF.

Như vậy, 1 cổ phiếu KDF sẽ đổi lấy 1.3 cổ phiếu KDC phát hành thêm, tỷ lệ hoán đổi là cố định và không được thay đổi trong mọi trường hợp.

Đối với các cổ đông sở hữu cổ phiếu KDF đang bị hạn chế chuyển nhượng, sau khi hoán đổi sang cổ phiếu KDC với tỷ lệ trên cũng sẽ tiếp tục bị hạn chế chuyển nhượng (theo thời hạn quy định giống như đối với cổ phiếu KDF).

Lãnh đạo KDF cho biết năm 2017, với định hướng đưa KDF trở thành công ty đại chúng, KDC đã thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu của mình tại KDF cho các nhà đầu tư bên ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65%. Việc đại chúng hóa KDF nhằm mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền đầu tư.

Tuy nhiên, trải qua 3 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), các mục tiêu đề ra ban đầu khi đại chúng hóa KDF vẫn chưa đạt được kỳ vọng của HĐQT cũng như cổ đông Công ty.

Hiện KDF có vốn điều lệ 560 tỷ đồng tương ứng với 56 triệu cp đã phát hành. Công ty mẹ KDC đang nắm giữ 65% vốn điều lệ tương ứng 67% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại KDF.

Ông Trần Kim Thành hiện là đồng Chủ tịch HĐQT của KDFKDC; ông Trần Lệ Nguyên đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT. Mới đây, ông Nguyên vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cp KDC (1.46% vốn) nhằm nâng sở hữu lên thành gần 32 triệu cp tương đương 15.53% vốn. Các giao dịch của ông Nguyên dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 08/05-05/06/2020.

Tính đến ngày 15/05/2020, cổ đông trong nước đang chiếm 77.28% cơ cấu cổ đông của KDF, trong đó cổ đông tổ chức chiếm 65.2%, cổ đông cá nhân chiếm 12.08%.

Nguồn: Danh sách cổ đông KDF chốt ngày 15/05/2020

Về tình hình kinh doanh, năm 2019, KDF ghi nhận doanh thu thuần 1,383 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và lãi sau thuế hơn 142.5 tỷ đồng, gấp 5.2 lần thực hiện năm 2018. KDF đã tập trung vào sản phẩm kem cốt lõi và đầu tư vào các sản phẩm kem cao cấp.

Cho năm 2020, ban lãnh đạo KDF đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1,366 tỷ đồng và lãi trước thuế 195 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và tăng 5% so với thực hiện năm 2019.

Sau khi sáp nhập, kế hoạch phát triển KDC sẽ không thay đổi đáng kể, các công ty vẫn hoạt động bình thường như trước khi sáp nhập. Kế hoạch kinh doanh của KDC sau hợp nhất dự kiến như sau:

Kế hoạch kinh doanh của KDC sau sáp nhập. Nguồn: Phương án sáp nhập KDF vào KDC

Mặt khác, trên thị trường, giá cổ phiếu KDCKDF đều ghi nhận tăng khả quan trong thời gian gần đây. Đặc biệt, thị giá KDC đã gấp đôi so với mức đáy hồi cuối tháng 3/2020. Kết phiên giao dịch ngày 25/05, giá cổ phiếu KDCKDF lần lượt chốt ở 29,200 đồng/cp và 33,600 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu KDCKDF qua 6 tháng
Đvt: Đồng

*Ngành hàng dầu và ngành hàng lạnh của KDC tăng trưởng trong quý 1

*KDC báo lãi ròng quý 1 hơn 11 tỷ đồng

Duy Na

FILI