ĐHĐCĐ VDS: ‘Không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền’

BÀI CẬP NHẬT

ĐHĐCĐ VDS: ‘Không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền’

Chiều 28/05, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để trao đổi với cổ đông về phướng hướng hoạt động năm 2020. Ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết: "Công ty sẽ giám sát các khoản đầu tư sát hơn. Không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền, thời gian tới Công ty sẽ kiên nhẫn đợi các khoản đầu tư tốt về vùng giá tốt mới đầu tư".

Đại hội kết thúc với tất cả nội dung tờ trình được thông qua. Với thành phần HĐQT hiện tại, ông Nguyễn Miên Tuấn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty.

Tự doanh "không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền"

Trong phần thảo luận tại đại hội, các cổ đông đã cùng Ban lãnh đạo của Công ty trao đổi về các vấn đề hoạt động của Công ty.

Ban lãnh đạo chia sẻ định hướng kinh doanh thời gian tới, chiến lược cạnh tranh?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Hoạt động CTCK hiện khó khăn, đặc biệt là các Công ty có quy mô như Rồng Việt. Thị trường chịu cạnh tranh của các CTCK lớn trong nước và đặc biệt là các CTCK đến từ nước ngoài tạo áp lực lớn trong 2 năm vừa qua đối với đội ngũ lãnh đạo của Rồng Việt.

Thời gian tới, Công ty sẽ củng cố hiệu quả hoạt động môi giới và cho vay margin tạo nguồn thu ổn định.

KHÓA HỌC ONLINE

Phân tích và Định giá cổ phiếu

💡 Khai giảng: 16/6/2020

💡 Ưu đãi: 50% ++        

Hotline: 0908 16 98 98

>> Đăng ký ngay

Đối với hoạt động tự doanh, Công ty sẽ giám sát các khoản đầu tư sát hơn. “Không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền”, thời gian tới, Công ty sẽ kiên nhẫn đợi các khoản đầu tư tốt về vùng giá tốt mới đầu tư.

Đối với hoạt động IB, Công ty sẽ bổ sung thêm mua bán sáp nhập và thu xếp vốn, khả năng tạo doanh thu lớn hơn.

Công ty cũng sẽ cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho nhà đầu tư cá nhân hoặc liên kết với các công ty quản lý quỹ để cung cấp dịch vụ này. Đồng thời, quan tâm khai thác mảng trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung thêm thu nhập cho Công ty.

Nợ xấu 16 tỷ đồng năm 2019 có phải do cổ phiếu FTM, có khả năng thu hồi?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Khoản dự phòng liên quan tới cho vay margin cổ phiếu FTM. Công ty đã xử lý bằng cách bán hết tài sản đảm bảo và dôi ra 16 tỷ đồng dự phòng. Trách nhiệm đối với người đi vay vẫn còn nhưng khả năng thu hồi không cao, do đó coi đây là tổn thất của Công ty.

Sản phẩm phái sinh, Công ty có thực hiện tự doanh phái sinh để phòng ngừa trường hợp thị trường đi xuống?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Công ty cung cấp dịch vụ môi giới, không tham gia tự doanh. Theo dõi thì nhà đầu tư lỗ nhiều hơn lời, một số CTCK là thành phần tạo lập thị trường có lợi thế về thông tin mới có thể kiếm lợi nhuận.

VDS vẫn chưa tự tin để tham gia tự doanh nhưng vẫn sẽ tham khảo để xem xét cơ hội kiếm lời.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 cả VDS

Kế hoạch lãi sau thuế 2020 đạt 36 tỷ đồng, cổ tức 3%

Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, năm 2020, Công ty lên mục tiêu tổng doanh thu 313 tỷ đồng, giảm 5.9% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, doanh thu từ môi giới dự đạt 77 tỷ đồng, giảm nhẹ 0.3% và doanh thu dịch vụ chứng khoán 199 tỷ đồng, giảm hơn 14%. Ngược lại, Công ty lên kế hoạch doanh thu mảng tự doanh tăng gần 16% lên 20 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch đạt 36 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm trước. Cổ tức năm 2020 dự kiến ở mức 3%.

Mục tiêu năm 2020, Công ty sẽ nắm khoảng 1.7% - 1.8% thị phần toàn thị trường. Dư nợ cho vay và ứng trước đạt 1,600 - 1,800 tỷ đồng.

‘May mắn thì cuối quý 2 mới khắc phục được hết lỗ lũy kế từ đầu năm’

Ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc VDS cho biết, trong quý 1, do diễn biến chung của thị trường kết quả của Công ty lỗ 88 tỷ đồng chủ yếu do trích dự phòng hoạt động tự doanh.

Sang tháng 4, tình hình khả quan hơn, lũy kế doanh thu 4 tháng của Công ty đạt 101.8 tỷ đồng, đã thực hiện 32% kế hoạch năm. Chi phí năm 2020 đặt kế hoạch 268 tỷ đồng; lũy kế tháng 4 tới 140 tỷ đồng, 52%. Lợi nhuận lũy kế tháng 4 vẫn còn âm 38 tỷ đồng.

Trong tháng 5, hoạt động của Công ty sẽ được cải thiện. Kỳ vọng trong quý 2 vào phần cuối 2020 Công ty sẽ thực hiện được kế hoạch.

Ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết thêm, ước tính hết tháng 5, lỗ của Công ty đã phục hồi được 80 tỷ đồng. May mắn thì cuối quý 2 mới khắc phục được hết lỗ lũy kế từ đầu năm.

Ông Trần Lệ Nguyên chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT

Một nội dung đáng chú ý tại Đại hội lần này là Công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm của một số thành viên HĐQT, Ban Kiểm sát nhiệm kỳ 2017 - 2021, trong đó, có ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Công ty.

Các thành viên còn lại cũng được thông qua miễn nhiệm trong đợt này là ông Kelly Yin Hon Wong - Thành viên HĐQT, ông Võ Long Nguyên - Thành viên HĐQT độc lập, bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng Ban Kiểm soát, ông Nguyễn Thúc Vinh - Thành viên Ban Kiểm soát.

Với lý do ông Trần Lệ Nguyên bận công việc riêng, Đại hội đã tạo điều kiện thay đổi chương trình cuộc họp để trình và thông qua nội dung miễn nhiệm nêu trên đầu tiên. Ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó Chủ tịch của HĐQT chia sẻ: Việc từ nhiệm của ông Nguyên đến từ nguyện vọng cá nhân. Hiện ông Nguyên cũng có nhiều kế hoạch đầu tư kinh doanh cá nhân riêng do đó quyết định rời vị trí Chủ tịch tại VDS. Ông Tuấn cho biết thêm ông Nguyên sẽ vẫn là cổ đông lớn và gắn bó thêm một thời gian nữa.

Ông Trần Lệ Nguyên (thứ ba từ trái sang) chính thức rời vị trí Chủ tịch tại VDS

Bên cạnh việc từ nhiệm, Cổ đông đã bầu bổ sung các nhân sự làm thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021. Theo đó, ông Nguyễn Thúc Vinh và bà Hoàng Hải Anh được bầu làm Thành viên HĐQT.

Ông Trần Lệ Nguyên hiện đang nắm giữ cổ phiếu tại các doanh nghiệp thuộc nhóm Kido Group như CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC), CTCP Dầu thực vật Trường An (TAC), CTCP Thực phẩm Đông Lạnh KIDO (KDF). Tại KDC, ông Nguyên là cổ đông lớn nắm giữ 14.07% vốn của Tập đoàn Kinh Đô (KDC), giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tại công ty này. Đồng thời, ông cũng là Thành viên HĐQT của TAC và KDF.

Chí Kiên

FILI