Dịch Covid-19 và ứng phó của nhà đầu tư

Dịch Covid-19 và ứng phó của nhà đầu tư

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã giảm liên tiếp kể từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh những cảnh báo thận trọng, cũng có ý kiến lạc quan cho rằng TTCK vẫn tốt cho đầu tư dài hạn. Vậy, nhà đầu tư cá nhân nên ứng phó như thế nào?

* Có nên bắt đáy mùa Corona?

Dịch Covid-19 khiến hầu hết hoạt động kinh tế chịu thiệt hại lớn, các kênh đầu tư trở nên khó khăn để tạo ra lợi nhuận.

Riêng với TTCK, tính từ đầu năm đến hết ngày 03/04, VN-Index đã giảm khoảng 27%. Nhiều nhà đầu tư bị nỗi sợ Covid-19 dẫn dắt hành động, chấp nhận thua lỗ bán tháo cổ phiếu.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư ngắn hạn canh bắt đáy. Các nhà đầu tư này cho rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại vì cung - cầu TTCK phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Một số nhà đầu tư khác đánh giá ‘TTCK Việt Nam đã có mức giá tốt từ trước đợt giảm mạnh do dịch Covid-19, sự lao dốc gần đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu khi thị trường chỉ bị ảnh hưởng nhất thời’ nên tận dụng ‘cơ hội’ để mua cổ phiếu đầu tư giá trị. Có chuyên gia đã khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người không chuyên, nên đầu tư dài hạn.

Nhà đầu tư nên ứng phó ra sao?

Trong ngắn hạn, với tình hình nhiều quốc gia có dịch bệnh, nỗi lo sợ chắc chắn chưa thể dừng lại. Bất kỳ sự phục hồi nào ở thời điểm hiện nay đều mong manh, khi tâm lý nhà đầu tư dễ bị tổn thương trước diễn biến dịch bệnh. Chưa kể, những đợt hồi lên của thị trường có thể do các tổ chức, nhà đầu tư ‘cá mập’ đang ‘bơm hàng, xả hàng’. Đầu tư ngắn hạn khá rủi ro vì giá hầu hết cổ phiếu thất thường, không dễ đoán, ‘phần thưởng’ có chăng chỉ dành cho những nhà đầu tư may mắn.

Trong khi đó, các tổ chức, quỹ đầu tư buộc phải tham gia thị trường để phân bổ tài sản nhiều hơn, theo lời một chuyên gia ‘chứng khoán không phải kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện nay’.

Về dài hạn, nếu nói cổ phiếu rẻ, nhà đầu tư nên nhớ P/E của VN-Index hiện chỉ còn 10.86 (theo số liệu ngày 03/04 của Bloomberg). Do đó, cổ phiếu rẻ thật sự lúc này phải có chỉ số P/E nhỏ hơn 10.

Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế đã cùng chung nhận định kinh tế thế giới sẽ suy giảm, nhưng giảm đến mức nào thì có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà đầu tư nên chờ đợi mọi thứ rõ ràng hơn như tín hiệu tạo đỉnh dịch tại Việt Nam và các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… hay chờ đến khi lượng hóa được các thiệt hại vào nền kinh tế và từng nhóm ngành. Lúc đó, bức tranh định giá sẽ rõ ràng hơn và chiến lược đầu tư cũng được cụ thể hóa. Trong trường hợp chưa có dấu hiệu khởi sắc từ việc phòng chống dịch Covid-19, nhà đầu tư nên chờ đợi công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020, thậm chí quý 2/2020, của các doanh nghiệp niêm yết để thấy rõ hơn tác động của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Những nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ không bắt đáy mà chờ xu hướng thị trường cũng như cổ phiếu tăng trở lại mới tiến hành mua vào.

Kinh tế khó đoán định, nhà đầu tư cần thận trọng

Hiện nay, kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Thương mại đầu tư trì trệ, các chuỗi sản xuất bị gián đoạn, thị trường tài chính tiền tệ chao đảo, thị trường hàng hóa quốc tế biến động liên tục... Các nền kinh chủ chốt chịu tác động tiêu cực với các mức độ khác nhau, đang đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng và hỗ trợ giảm thiệt hại của dịch.

Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 02/03 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn khoảng 2.4%, giảm 0.5 điểm phần trăm so với mức đưa ra hồi tháng 11/2019. Dự báo tăng trưởng của hầu hết nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngày 27/03, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố nền kinh tế thế giới đã bước vào cuộc suy thoái tiền tệ tương đương hoặc thậm chí trầm trọng hơn so với năm 2009.

Rủi ro xảy ra khủng hoảng toàn cầu cũng như tại các nền kinh tế chủ chốt đều đã được đề cập tới. Theo kết quả khảo sát mới đây của Đại học Chicago, hầu hết chuyên gia kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều dự đoán có thể xảy ra đợt suy thoái do đại dịch Covid-19.

Dòng vốn FDI toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Dự báo tình hình kinh tế trong nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6.8% là thách thức lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.

Chính vì vậy, theo quan điểm của người viết, nhà đầu tư nên thận trọng trong thời gian này.

Gia Nghi

FILI