9 thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch trước virus corona

9 thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch trước virus corona

Trước tình hình số ca nhiễm virus corona tiếp tục gia tăng, những biện pháp phòng ngừa hàng ngày như thường xuyên rửa tay, thực hiện giãn cách xã hội, tập thể dục và ngủ đủ giấc là mấu chốt để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm.

 

Duy trì chế độ ăn lành mạnh giúp cải thiện hệ miễn dịch của bạn cũng là việc làm cần thiết. Xin lưu ý với rằng chưa có nghiên cứu nào cho thấy có loại thực phẩm đặc biệt giúp chống lại Covid-19. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đây đã chứng minh việc hấp thu một số thực phẩm nhất định có thể cải thiện sức khỏe và nâng cao khả năng chống chọi của cơ thể trước những virus xâm nhiễm.

Dưới đây là 9 loại thực phẩm đã được các chuyên gia công nhận mà bạn nên dự trữ, bên cạnh đó còn chia sẻ thêm những ý tưởng sáng tạo để làm thế nào thêm chúng vào bữa ăn của bạn:

1. Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ chứa hàm lượng vitamin C rất cao so với những loại rau củ và trái cây khác. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén ớt chuông đỏ thái nhỏ chứa khoảng 211% nhu cầu lượng vitamin C hàng ngày của bạn, nhiều gấp 2 lần so với một quả cam (106%).

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 của Viện Sức khỏe Quốc gia phát hiện vitamin C đóng góp vào vai trò miễn dịch của cơ thể thông qua việc hỗ trợ hàng loạt chức năng khác nhau của tế bào và giảm thiểu nguy cơ bị viêm hô hấp. Vitamin C còn giúp làm lành và xây dựng các mô mới của cơ thể.

Để có sức khỏe tốt, bạn cần bổ sung vitamin C hàng ngày vì cơ thể không tự nhiên sinh ra dưỡng chất này”, tiến sĩ Seema Sarin, bác sĩ nội trú tại tổ chức EHE Health, chia sẻ với CNBC Make It.

Tiến sĩ Sarin gợi ý bạn có thể thái nhỏ một trái ớt chuông đỏ và ăn sống cùng với đậu gà như một món ăn vặt hay trộn với salad. Nếu thích ăn ớt chuông được nấu chín, bạn có thể đem xào nhanh trên chảo.

2. Bông cải xanh

Bông cải xanh cũng rất giàu vitamin C. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia, chỉ nửa chén bông cải xanh đã đủ cung cấp 43% nhu cầu lượng vitamin C hàng ngày của cơ thể.

Trong bông cải xanh còn có những dưỡng chất từ thực vật và chất chống oxy hóa hỗ trợ cho hệ miễn dịch”, Sarin nói. Bông cải xanh còn chứa vitamin E, một chất chống oxy hóa giúp chống lại các loại vi khuẩn và virus.

Theo tài liệu Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người Mỹ, vitamin C là một loại dưỡng chất mà người Mỹ không hấp thu đủ trong bữa ăn hàng ngày, do vậy, việc tìm những cách đơn giản để hấp thụ thêm vitamin C là điều cực kỳ thiết yếu.

Để hấp thu tốt nhất những dưỡng chất có trong loại thực phẩm này, bạn có thể ăn sống hoặc nấu sơ qua”, Sarin chia sẻ. “Tôi thích chiên sơ bông cải xanh cùng với tỏi và phô mai Parmesan, hay xào cùng ớt chuông, gừng, tỏi và nấm”.

3. Đậu gà

Đậu gà chứa rất nhiều chất đạm, dưỡng chất thiết yếu từ axit amin giúp sửa chữa và xây dựng các mô cơ trong cơ thể. Theo Học viện Dinh dưỡng và bộ môn Dinh dưỡng học, chất đạm còn đóng góp vào việc chuyển hóa và duy trì các loại enzyme giúp các cơ quan chức năng trong cơ thể vận hành trơn tru.

Trong đậu gà còn chứa kẽm, chất này giúp hệ miễn dịch kiểm soát và điều chỉnh những phản ứng miễn dịch”, Emily Wunder, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng và người sáng lập của trang web chuyên về dinh dưỡng Healthier Taste, chia sẻ với CNBC Make It.

Đậu gà rang là món ăn vặt tuyệt vời mà chế biến lại nhanh, hoặc bạn có thể cho chúng vào món salad. Trước khi đem rang, bạn phải đảm bảo chúng hoàn toàn khô ráo. Thêm vào vài muỗng canh dầu (dầu thực vật, dầu hạt cải hay dầu hạt nho đều được) rồi đem nướng ở 200ºC, đảo đều giữa chừng đến khi chúng giòn đều.

Để đặc sắc hơn, Wunder gợi ý bạn có thể thêm ít muối và ớt bột. Nếu bạn sử dụng đậu gà đóng hộp, bạn nên rửa sơ để giảm bớt lượng muối.

4. Dâu tây

Wunder thường thưởng thức nửa chén dâu tây mỗi ngày để bổ sung 50% lượng vitamin C cần thiết.

Vitamin C là dưỡng chất tuyệt vời để nâng cao hệ miễn dịch”, cô chia sẻ, vì vitamin C có thể bảo vệ tế bào trước những gốc tự do mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc thông qua môi trường sống.

Wunder gợi ý bạn có thể cho dâu tây xắt lát vào sữa chua, bột yến mạch, hay ăn kèm bánh mì ngũ cốc với bơ đậu phộng. “Tất nhiên, dâu tây còn có thể làm món sinh tố”, cô nói.

5. Tỏi

Tỏi không những có mùi vị đặc sắc mà còn có ích cho sức khỏe như giúp giảm huyết áp và nguy cơ bệnh tim mạch”, theo thông tin của Sarin. “Khả năng tăng cường sức đề kháng của tỏi nằm ở chỗ trong tỏi có chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, vốn là những chất chống viêm”.

Trước nay, tỏi tỏ ra hữu hiệu trong việc phòng chống những bệnh cảm mạo thông thường. Năm 2001, trong một bài nghiên cứu công bố trong tạp chí Advances in Therapy, những người tham gia nghiên cứu có bổ sung tỏi ít khả năng bị cảm hơn. Trong trường hợp họ bị cảm thì nhanh hồi phục hơn những người tham gia nghiên cứu thuộc nhóm giả dược.

Sarin nói đây là loại thực phẩm rất dễ đưa vào bữa ăn. Bạn có thể thêm tỏi vào bất cứ món gì từ sốt mì, nước trộn salad đến súp và những món xào. Cô đề nghị bạn nên sử dụng 2-3 tép tỏi mỗi ngày.

6. Nấm

Wunder chia sẻ: “Ngoài việc phơi nắng là cách tốt nhất để hấp thu vitamin D thì dưỡng chất này còn tồn tại trong một số loại thực phẩm như nấm”.

Năm 2018, một tạp chí đã xác nhận nấm là nguồn cung cấp vitamin D - loại vitamin này giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi, thiết yếu cho xương, và còn có thể bảo vệ cơ thể trước một số bệnh ung thư và bệnh lý hô hấp.

Nấm rất thích hợp để làm món phụ hay món khai vị. Wunder gợi ý bạn có thể trộn chúng với 1-2 muỗng canh dầu ăn, tỏi băm, muối và tiêu, rồi đem đi nướng ở 175ºC. Để tăng thêm hương vị, bạn có thể nhồi nấm mỡ với phô mai, hành tây và bông atisô.

7. Cải bó xôi

Bó xôi rất giàu vitamin C và những chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào miễn dịch của cơ thể trước những nguy hại từ môi trường”, Sarin chia sẻ. “Bên cạnh đó, nó còn chứa beta caroten, là tiền tố chính tạo ra vitamin A, dưỡng chất thiết yếu để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả”.

Giống như bông cải xanh, tốt nhất nên ăn sống cải bó xôi hoặc chỉ nấu sơ. Để thêm cải bó xôi vào bữa ăn, Sarin đề nghị bạn có thể đem xay sinh tố, ăn cùng món trứng vào bữa sáng hoặc xào sơ cùng tỏi, thế là dễ dàng có được một món phụ.

8. Sữa chua

Sữa chua là nguồn cung cấp lợi khuẩn tuyệt vời, những lợi khuẩn này sẽ giúp nâng cao sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch”, Sarin nói. Những nghiên cứu gần đây cũng phát hiện vai trò tích cực của lợi khuẩn trong việc chữa trị những bệnh cảm mạo thông thường và những bệnh truyền nhiễm như viêm phổi.

Sarin cho rằng tốt hơn hết nên chọn loại sữa chua đơn thuần thay vì sữa chua có nhiều mùi vị hoặc đường. Bạn có thể ăn kèm sữa chua đơn thuần cùng trái cây và mật ong, “hoặc thêm nó vào món sinh tố ưa thích” như Sarin chia sẻ.

Những ai đang theo chế độ ăn không có sữa vẫn có thể lựa chọn sử dụng sữa chua làm từ sữa hạnh nhân hay nước cốt dừa.

9. Hạt hướng dương

Hạt hướng dương rất giàu vitamin E, là chất chống oxy hóa và giúp tăng cường hệ miễn dịch”, Wunder nói.

Theo nguồn tin của Viện Sức khỏe Quốc gia, khoảng 30 gram hạt hướng dương rang có thể cung cấp cho bạn 49% nhu cầu lượng vitamin E mỗi ngày.

Phủ giấy nến lên khay nướng, rồi đem rang những hạt hướng dương còn vỏ ở 150ºC đến khi chúng hơi ngã sang màu nâu nhạt, sau đó ăn cùng salad hoặc món rau củ nướng. Bạn cũng có thể sử dụng hạt hướng dương sống thay cho hạt thông trong công thức làm xốt pesto tại nhà.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI