Vinamilk đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 2020 tối thiểu 12,400 tỷ đồng

Vinamilk đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 2020 tối thiểu 12,400 tỷ đồng

HĐQT của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) đề ra chỉ tiêu doanh thu năm 2020 không thấp hơn 62,000 tỷ đồng và lãi trước thuế không thấp hơn 12,400 tỷ đồng. Bên cạnh việc củng cố vị trí số 1 ngành sữa trong nước, Công ty tăng cường tìm kiếm cơ hội thực hiện M&A với các đối tác quốc tế, nhất là trong khu vực Đông Nam Á. 

Theo báo cáo thường niên 2019, VNM kỳ vọng doanh thu năm 2020 không thấp hơn 62,000 tỷ đồng, tức tăng ít nhất 10% so với năm 2019. Lãi sau thuế ước tính không thấp hơn 20% trên doanh thu (tức 12,400 tỷ đồng), con số này bằng 97% thực hiện năm trước.

Nhìn lại năm 2019, VNM đã giữ vững đà tăng trưởng bền bỉ với doanh thu 56,400 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018. Lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt đạt 12,796 tỷ đồng và 10,554 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 3%.

Một số điểm nhấn kết quả kinh doanh năm 2019 của VNM
Nguồn: BCTN 2019 của VNM

Đáng chú ý trong năm vừa qua, VNM đã có thành công trong hoạt động xuất khẩu khi có bước tiến vào thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy tiềm năng. Về M&A, Công ty chính thức sở hữu 75% vốn tại GTNFoods (HOSE: GTN), qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu. Hiện quy mô đàn bò do VNM và Sữa Mộc Châu quản lý và khai thác đạt khoảng 155,000 con.

*Bà Mai Kiều Liên giữ chức Chủ tịch GTNFoods

Giữ vững vị thế số 1 trong nước và vươn ra Đông Nam Á

Ngành sữa vẫn là ngành kinh doanh cốt lõi của VNM. Công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm mới với mục đích cách tân, mở rộng, và đa dạng hóa danh mục sản phẩm trên cơ sở phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.

Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên: “Bước sang năm thứ tư của giai đoạn chiến lược 2017-2021 và cũng là thời khắc chuyển giao vào một thập kỷ mới, Ban Điều hành cùng toàn thể cán bộ nhân viên VNM sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được với khẩu lệnh văn hóa năm 2020 là ‘Công nghệ - Chìa khóa để thay đổi’.

Dù hiện tại VNM đã ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ vào việc quản lý như hệ thống ERP tiên tiến, cảm ứng điện tử theo dõi sức khỏe đàn bò, công nghệ xử lý chất thải đạt chuẩn quốc tế v.v., chúng tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân để luôn cập nhật với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng, thập kỷ tiếp theo của VNM sẽ tiếp tục là một thập kỷ của tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu 30 công ty sữa lớn nhất thế giới.”

Nhằm củng cố vị thế số 1 trong ngành sữa Việt Nam, VNM vẫn ưu tiên tập trung khai thác thị trường nội địa, đẩy mạnh vào phân khúc sản phẩm cao cấp, đặc biệt ở khu vực thành thị. Công ty sẽ mở rộng thâm nhập và bao phủ khu vực nông thôn với các dòng sản phẩm phổ thông đồng thời với tiếp tục xây dựng hệ thống phân phối nội địa rộng lớn.

VNM đặt tầm nhìn trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất tại Đông Nam Á. Theo đó, Công ty sẵn sàng cho các hoạt động M&A và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác. VNM vẫn tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại thị trường trọng điểm mới.

Kế hoạch nhân sự kế thừa

HĐQT của VNM hiện có 3 thành viên độc lập gồm bà Lê Thị Băng Tâm (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Bá Dương và ông Đỗ Lê Hùng.

HĐQT hiện tại của VNM
Nguồn: BCTN 2019 của VNM

Tổng cộng, hiện HĐQT của VNM gồm 2 thành viên điều hành và 7 thành viên không điều hành. Như vậy, HĐQT đang còn khuyết 2 thành viên do có một người từ nhiệm trong năm 2019 và do Công ty chưa tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí thành viên độc lập còn lại.

Với sự tư vấn của tập đoàn tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, VNM đã triển khai chương trình Kế hoạch Nhân sự Kế thừa từ nhiều năm nay và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty.

*Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên đăng ký mua cổ phiếu VNM

Duy Na

FILI