PIT giải trình ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán 2019

PIT giải trình ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán 2019

CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (HOSE: PIT) công bố báo cáo giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về việc trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Trước đó, kiểm toán viên công ty AASCN đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về về việc trích lập dự phòng hàng tồn kho của PIT. Cụ thể, ngày 31/12/2018, PIT có một số lô hàng thép không gỉ tồn tại lâu ngày, chậm luân chuyển với giá trị khoảng 25 tỷ đồng.

Khi lập BCTC hợp nhất 2018, PIT chưa xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của lô hàng này để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Đến năm 2019, PIT đã thanh lý lô hàng trên và lỗ khoảng 7 tỷ đồng được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty.

Theo kiểm toán, do giá trị thuần của số dư hàng tồn kho đầu năm có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ trong năm của Công ty, nên kiểm toán viên không thể xác định liệu có cần điều chỉnh đối với kết quả lợi nhuận và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo hợp nhất của Công ty hay không. Vì vậy, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về vấn đề trên.

Theo giải trình của PIT, Công ty ghi nhận ý kiến của kiểm toán viên là phù hợp với quy định của Bộ tài chính.

Bên cạnh đó, Công ty nói thêm về việc nếu PIT xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của lô hàng này và trích lập dự phòng cho năm 2018 thì lợi nhuận năm 2019 sẽ tăng lên tương ứng và lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 không thay đổi. Trên quan điểm của PIT, Công ty cho rằng việc ghi nhận khoản lỗ này trong năm 2019 là phù hợp với thực tế kinh doanh của Công ty.

Ngoài ra, PIT còn giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ năm 2018 sang lãi năm 2019 và nguyên nhân chênh lệch tổng tài sản.

Về lợi nhuận, trong năm 2019, Công ty tiếp tục giải phóng hàng tồn kho chậm luân chuyển nên kết quả kinh doanh của Công ty vẫn lỗ. Tuy nhiên, trong năm Công ty đã thanh lý kho chứa hàng inox tại khu vực An Phú và Bình Dương nên lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 7 tỷ đồng thay vì lỗ hơn 30 tỷ đồng trong năm trước.

Nguồn: Báo cáo giải trình của PIT

Còn về chênh lệch trong tổng tài sản, tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Công ty giảm hơn 24% so với đầu năm chủ yếu là do sụt giảm từ công nợ phải thu và hàng tồn kho.

Nguồn: Báo cáo giải trình của PIT

Sự suy giảm của hai khoản mục nói trên chiếm khoảng 70% chênh lệch giảm tổng tài sản của Công ty.

Theo PIT, nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2019 Công ty tái cơ cấu các ngành hàng khiến cho quy mô kinh doanh giảm so với năm trước. Các ngành thiếu hiệu quả như inox, hạt nhựa, thiếc không được tái đầu tư, tiếp tục giải phóng hàng tồn dẫn đến hàng tồn kho và doanh thu của PIT đều giảm. Trong năm 2019, doanh thu của Công ty giảm chỉ đạt 60% so với năm 2018 cũng là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm công nợ phải thu.

Tố Diệp

FILI