Ngân hàng linh hoạt với những gói giải pháp cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch

Ngân hàng linh hoạt với những gói giải pháp cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch

Ngày 13/03/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch (Thông tư 01) đã được ban hành.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của NHTM.

Về phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra (NHNN) cho biết, Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Thứ nhất phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịnh Covid-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Cùng ngày ban hành Thông tư 01, ngày 13/03/2020, cơ quan quản lý cũng có văn bản số 1680/NHNN-TT chỉ đạo CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần 2 trong năm 2020.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các NHTM đã sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, để đồng hành cùng doanh nghiệp, bởi hiện nay 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ông đánh giá, Thông tư 01 đã tạo hành lang pháp lý cho các NHTM triển khai cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch – đây là điểm đáng lưu ý và là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng với các giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà cho hay, với dư nợ tương đối lớn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn thu. “Trong lúc chưa biết xoay sở thế nào, thì ngân hàng đã cử cán bộ xuống nhà máy đánh giá khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Doanh nghiệp phấn khởi đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành của ngân hàng“ – đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhiều gói giải pháp được các NHTM đưa ra như: xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285,000 nghìn tỷ đồng, trong đó có gói tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0.5% đến 1.5%/năm; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: “Việc ban hành thông tư mới đã hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp được giảm, miễn lãi tuỳ theo năng lực tài chính của các TCTD. Tại Vietcombank thì mức giảm miễn lãi là 1-1.5% đối với khoản vay bằng VND và 0.5% với dư nợ ngoại tệ. Doanh nghiệp được giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Về phía ngân hàng, đây là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), báo cáo của các NHTM cho thấy, đến nay, bước đầu đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ khoảng 21,753 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi cho khoảng 8,000 khách hàng số tiền trên 350 tỷ đồng, trong đó đang xem xét miễn giảm lãi cho vay cho 34,350 khách hàng với dư nợ là 185,000 tỷ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới, cho vay mới cho khoảng 5,493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24 nghỉn tỷ đồng; tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới; bên cạnh đó các NHTM cũng miễn, giảm phí thanh toán, phí giao dịch.

Về gói tín dụng khoảng 285,000 tỷ đồng mà các NHTM cam kết cho vay nói trên, TS. Cấn Văn Lực phân tích, gói tín dụng này có 4 đặc điểm chính: Thứ nhất, mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…); thứ hai là nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước); thứ ba là cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay – trả thuần túy là giữa TCTD và bên vay vốn (có điểm khác biệt là thủ tục sẽ cần nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn – tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn); và cuối cùngtập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Khang Di

FILI