Hoảng loạn mùa đại dịch!

Hoảng loạn mùa đại dịch!

 

* Bài viết thể hiện quan điểm của Julie Sunderland

 

Phản ứng yếu kém của các quốc gia với dịch virus Covid-19, cho thấy sự thiếu chuẩn bị kỹ càng về kiến thức chuyên môn và nguồn lực y tế. Mặc dù chúng ta đã có những khoản tài trợ đáng kể cho các cơ quan khoa học và y tế cộng đồng, nhưng thiệt hại từ dịch bệnh vẫn cực kỳ khủng khiếp và liên tục gia tăng.

Nhân viên y tế đưa người nhiễm virus Covid-19 đến bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. Nguồn: Yonhap

Các trận đại dịch nối tiếp nhau

Cứ sau chu kỳ vài năm, loài người lại hoảng loạn bởi một trận đại dịch toàn cầu. Trong thế kỷ này, SARS, H1N1, Ebola, MERS, Zika và hiện nay là Covid-19 đều có những tác động khá giống nhau nếu xét trên khía cạnh tâm lý của đa số. Dịch SARS (cũng do 1 loại virus corona gây ra và có khả năng truyền từ dơi sang người) bùng nổ ở Trung Quốc trong giai đoạn 2002-2003 đã lây nhiễm hơn 8,000 người và gây ra gần 800 cái chết. Mặt khác, điều này dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 40 tỷ USD vì phải đóng cửa biên giới, tạm dừng du lịch, gián đoạn hoạt động kinh doanh và chi phí chăm sóc sức khỏe. Dịch Covid-19 thậm chí còn gây thiệt hại gấp nhiều lần so với SARS.

Phản ứng hoảng loạn và thiệt hại như trên là khá dễ hiểu. Những căn bệnh truyền nhiễm có thể dễ dàng giết chết nhiều người đã làm trỗi dậy bản năng sinh tồn tất nhiên của mỗi cá nhân. Y học hiện đại và hệ thống chăm sóc sức khỏe tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được số phận của mình (trên phương diện sinh học). Tuy nhiên, sự kết nối giao thông và di chuyển dễ dàng trong thế giới hiện đại, đã thực sự đẩy nhanh tốc độ lây lan của những mầm bệnh mới. Liên minh quốc tế phòng chống dịch bệnh (CEPI - Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) dự đoán mầm bệnh truyền nhiễm mới nguy hiểm tương tự như bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918 (giết chết gần 33 triệu người trong vòng nửa năm) có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Những người lính bị cúm Tây Ban Nha tại Kentucky, Mỹ vào năm 1918. Nguồn: Chronicle

Chủ động thay vì bị động

Các phản ứng sợ hãi một cách bị động đối với những đợt bùng phát dịch bệnh thường không đem lại hiệu quả. Chúng ta là một loài sinh vật sống giữa các sinh vật nguy hiểm khác. Chúng có lợi thế hơn chúng ta nhờ việc tăng trưởng số lượng nhanh chóng và tỷ lệ đột biến cao. Vũ khí mạnh nhất của chúng ta trước những mối đe dọa này là trí thông minh. Nhờ có khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với sức mạnh từ tập thể, như vậy, chúng ta đã có sẵn công cụ hiệu quả để ngăn chặn, quản lý và kiềm chế dịch bệnh toàn cầu. Chúng ta cần triển khai nguồn lực lớn, tổ chức phối hợp ăn ý và bài bản như trong một cuộc chiến tranh thì mới có thể áp chế và tiêu diệt được các dịch bệnh mới. Tôi đề xuất phương pháp tiếp cận theo 3 hướng.

Đầu tiên, chúng ta cần phải đầu tư vào khoa học và công nghệ. Khả năng quân sự vượt trội của Mỹ như hiện tại là kết quả của hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần dùng một số tiền nhỏ hơn rất nhiều cũng có thể nhanh chóng phát triển vắc xin, thuốc kháng sinh và các công cụ chẩn đoán để chống lại dịch bệnh.

Những tiến bộ trong sinh học cho phép các nhà khoa học hiểu được mã gen của mầm bệnh và khả năng đột biến của nó. Nhờ vậy, chúng ta có thể vận dụng hệ thống miễn dịch để chống lại dịch bệnh và nhanh chóng phát triển các phương pháp trị liệu, chẩn đoán hiệu quả hơn. Ví dụ, vắc xin RNA mới có thể lập trình cho các tế bào cung cấp protein nhằm cảnh báo hệ thống miễn dịch phát triển các kháng thể chống lại bệnh tật. Về cơ bản, nó biến đổi cơ thể chúng ta thành “nhà máy sản xuất vắc xin”.

Mô tả về vắc xin RNA. Nguồn: ResearchGate

Nhiệm vụ của các tổ chức nghiên cứu như DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency) và BARDA (Biomedical Advanced Research and Development Authority) là tài trợ cho các chương trình chống lại vũ khí sinh học và các mối đe dọa sinh học khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ hoạt động của họ nên được mở rộng để hỗ trợ nhiều hơn cho việc nghiên cứu cách ứng phó với đại dịch.

Việc thứ hai cần làm là sự chuẩn bị về mặt chiến lược. Trong các xã hội hiện đại, chúng ta đặt rất nhiều niềm tin vào quân đội bởi vì ai cũng coi trọng các binh sĩ tận tụy, luôn trung thành và quyết tâm bảo vệ quốc gia chống lại các mối đe dọa. Tuy nhiên, các tổ chức nghiên cứu khoa học và y tế cộng đồng cũng có mức độ đóng góp tương đương nhưng tiền hỗ trợ từ Chính phủ dành cho họ lại ít hơn nhiều.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đóng cửa đơn vị phòng chống dịch bệnh trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC - National Security Council). Điều này, làm giảm bớt khả năng theo dõi và ứng phó với dịch bệnh của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Centers for Disease Control - CDC). Nhưng gây lo ngại hơn cả chính là sự chê bai công khai của chính quyền đối với các tổ chức khoa học. Điều này, đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào khoa học nói chung và y tế nói riêng.

Hãy thử tưởng tượng tình huống Mỹ bị một quốc gia khác tấn công. Người dân Mỹ sẽ không mong đợi bộ trưởng quốc phòng lên tuyên bố rằng: “Các nhà khoa học sẽ nhanh chóng chế tạo máy bay ném bom tàng hình mới trong khi quân đội lên kế hoạch phản công”. Ý tưởng này thật nực cười, nhưng nó phản ánh chính xác phản ứng hiện tại của chúng ta đối với các mối đe dọa sinh học, cụ thể là Covid-19.

Một cách tiếp cận tốt hơn là công nhận cũng như khuyến khích những đóng góp của đội ngũ chuyên gia y tế và các nhà khoa học, tạo ra cơ sở hạ tầng để phát triển các công nghệ hữu dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chính phủ cũng cần chủ động tài trợ cho các tổ chức có trách nhiệm ứng phó với đại dịch. Bước đầu tiên, Chính phủ Mỹ nên thiết lập lại đơn vị phòng chống dịch bệnh ở NSC và bơm tiền mạnh cho các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các mối đe dọa sinh học bao gồm: CDC, DHS (Department of Homeland Security) và Viện Y tế Quốc gia.

Việc thứ ba là sự phối hợp toàn cầu. Mặc dù điều này có vẻ đi ngược lại ý tưởng của Tổng thống Donald Trump về “America First” nhưng một sự phối hợp đa phương đối với các đại dịch rõ ràng là vì lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Mỹ cần ưu tiên hợp tác quốc tế và đặt nó lên trên các chính sách cấp quốc gia của mình. Mỹ nên hỗ trợ các định chế quốc tế nhằm xác định và giám sát các mầm bệnh mới; tổ chức một lực lượng y tế đặc biệt có thể triển khai ngay lập tức đến các vùng dịch; tạo ra các cơ sở tài chính mới (như bảo hiểm dịch bệnh toàn cầu) có thể nhanh chóng huy động các nguồn lực để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; phát triển và dự trữ vắc xin.

Không có chiến thắng cuối cùng

Bước đầu tiên cần làm ngay là các Chính phủ nên tăng tài trợ cho CEPI, được tạo ra sau đại dịch Ebola năm 2014 để nghiên cứu và phát triển vắc xin. Cơ quan này được tài trợ bởi một liên minh của các Chính phủ và các tổ chức nhưng chỉ có ngân sách 500 triệu USD (chưa bằng một nửa giá bán của chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit). Đáng lý ra CEPI phải được đầu tư nhiều hơn thế.

Trong cuộc chạy đua đấu tranh với dịch bệnh không có chiến thắng cuối cùng. Câu hỏi duy nhất là chúng ta chiến đấu tốt hay chưa tốt. Chiến đấu chưa tốt có nghĩa là chúng ta cho phép dịch bệnh bùng phát thường xuyên và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Chiến đấu tốt có nghĩa là đầu tư đầy đủ cho khoa học và công nghệ, tài trợ cho đúng người đúng việc, thiết lập cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa sự chuẩn bị chiến lược và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các chiến dịch phối hợp toàn cầu.

Giới chuyên gia cho rằng trong tương lai chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh có khả năng cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả những cuộc chiến tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta đủ thông minh để tránh được kết cục đó. Vì vậy, chúng ta cần phải sử dụng kiến thức, tài năng và năng lực tổ chức một cách tốt nhất để tự cứu mình. Các quốc gia cần phải có trách nhiệm ngay từ bây giờ.

Giới thiệu về Julie Sunderland

Julie Sunderland có bằng cử nhân của Đại học Harvard. Sau đó, bà tiếp tục lấy bằng thạc sĩ từ Đại học John Hopkins và MBA của Đại học Pennsylvania.

Trước năm 2016, Julie Sunderland từng làm Giám đốc của Stragetic Investment Fund thuộc Bill & Melinda Gates Foundation. Sau đó, bà tiếp tục đảm nhận vị trí quản lý kiêm đồng sáng lập của Biomatics Capital Partners. Từ năm 2017 đến nay, Julie Sunderland đảm nhận vị trí CEO tại eGenesis.

Nguồn: Encodia

Phòng Tư vấn Vietstock (theo Project Syndicate)

FILI