Giới phân tích ‘trìu mến’ hơn với SAB sau khi cổ phiếu sụt 40%

Giới phân tích ‘trìu mến’ hơn với SAB sau khi cổ phiếu sụt 40%

Cổ phiếu SAB không theo kịp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2019 của doanh nghiệp bởi vì mức định giá cao. Sang năm 2020, khi thị giá sụt giảm hơn 40% chỉ trong vài tháng, cổ phiếu này bỗng nhận được “ánh nhìn trìu mến” hơn từ giới phân tích.

Dịch bệnh cùng với Nghị định 100 làm giảm nhu cầu bia trên diện rộng. Người dân tránh xa những nơi tụ họp đông người, doanh thu tại các nhà hàng bị ảnh hưởng. Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI) cho rằng sản lượng tiêu thụ bia sẽ sụt giảm trong quý 1 và thậm chí tiếp diễn trong quý 2.

SSI đưa ra 3 giả định về mức sụt giảm sản lượng tiêu thụ của SAB. Theo đó, lợi nhuận ròng mà hãng bia lớn nhất Việt Nam được dự báo nằm trong khoảng 4.4-5 ngàn tỷ đồng, tương ứng với mức giá mục tiêu từ 156-188 ngàn đồng/cp.

Định giá trước thời điểm Nghị định 100 và dịch bệnh virus corona của cổ phiếu SAB ở mức cao (P/E xấp xỉ 30), đây là một phần nguyên do thị giá không theo kịp tốc độ tăng của lợi nhuận trong năm 2019. Với mức giá mỗi cổ phiếu là 127 ngàn đồng tính đến kết phiên 19/03/2020, P/E 2020 và 2021 của SAB lần lượt là 18.6 và 17. Theo đó, SSI đã nâng xếp hạng dành cho cổ phiếu SAB lên mức khả quan.

Chưa đầy một tháng trước, Phòng Nghiên cứu và Phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra “quan điểm tích cực cho khả năng của SAB trong việc ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ tái cơ cấu hoạt động kinh doanh”. Họ cho rằng việc giá cổ phiếu SAB giảm hàng chục phần trăm đã phản ánh tác động tiêu cực từ Nghị định 100 và dịch bệnh virus corona.

“Khó có thể lượng hóa được tác động của Nghị định 100 cũng như dịch bệnh”, bộ phận phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết.

Bia Sài Gòn Special, bao bì cũ.

Người Thái mua 53.59% cổ phần của SAB vào năm 2017 trong một nỗ lực trở thành cánh chim đầu đàn của ngành bia Đông Nam Á. Năm 2019, diện mạo mới của SAB được trình làng và đây cũng là năm mà hãng bia với thương hiệu Bia Sài Gòn đạt mốc lợi nhuận lịch sử hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, mây đen bắt đầu kéo đến.

Viễn cảnh làm ăn của SAB chịu tác động lớn bởi hai gọng kìm Nghị định 100 và virus corona. Trên thị trường chứng khoán, sự lo ngại của giới đầu tư thể hiện rõ nét. Trong chưa đầy 3 tháng, cổ phiếu này đã sụt hơn 43% về mốc 127 ngàn đồng/cp, gần chạm mốc thấp nhất kể từ khi niêm yết (giá đã điều chỉnh).

Dù vậy, cho đến nay, thông tin mới nhất có được là phía ThaiBev (tập đoàn mẹ của SAB) vẫn bày tỏ sự tự tin về việc làm ăn của SAB và đã phủ nhận việc muốn thoái vốn mảng kinh doanh bia tại Việt Nam.

Về dài hạn, SSI cho rằng, tiêu thụ bia sẽ phục hồi trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường khi người tiêu dùng thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới (Nghị định 100), cũng như niềm tin người tiêu dùng phục hồi khi dịch bệnh kết thúc.

Cuối năm 2019, SAB cũng công bố kế hoạch nâng công suất các nhà máy tại Quảng Ngãi, Củ Chi và Sóc Trăng với giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, tối ưu hóa chi phí là giải pháp giúp hãng bia này tiếp tục đạt tỷ suất lợi nhuận cao, cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong ngành.

Những nỗ lực kể trên có mang lại giá trị cho doanh nghiệp hay không thì phải chờ trong dài hạn, còn trước mắt, tình hình dịch bệnh vẫn lấn át trong những cuộc trao đổi về SAB của giới đầu tư.

Virus corona tổn hại đến việc kinh doanh của SAB và cũng ảnh hưởng đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên của doanh nghiệp này. Mới đây, HĐQT SAB đã quyết định hoãn tổ chức cuộc họp thường niên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thừa Vân

FILI