Đồng USD ghìm đà tăng

Đồng USD ghìm đà tăng

Trong tuần qua (23-27/03/2020), tỷ giá trung tâm USD/VND cùng với giá USD tại ngân hàng thương mại và thị trường tự do đã hãm đà tăng trong bối cảnh Thượng viện Mỹ thông qua dự luật gói kích thích kinh tế có quy mô lớn chưa từng có, cao hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 và các cuộc khủng hoảng trước đó.

Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2020 đến ngày 27/03

Trong phiên sáng 27/03, tỷ giá trung tâm USD/VND được niêm yết ở mức 23,235 đồng/USD, giảm 17 đồng, tương đương giảm 0.1% so với cuối tuần trước 20/03.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng thương mại đã tăng hơn 150 đồng ở cả chiều mua và chiều bán, phổ biến ở mức 23,530/23,720 đồng/USD, tương đương tăng 1% so với cuối phiên 20/03.

Giá mua vào USD trên thị trường tự do từ đầu năm 2020 đến ngày 27/03

Tương tự, tỷ giá USD trên thị trường tự do cũng đã tăng 150 đồng ở 2 chiều, tương đương tăng 1% so với cuối tuần trước, về mức 23,750/23,850 đồng/USD.

Tuy giá USD tại ngân hàng và thị trường tự do tăng so với tuần trước, nhưng đà tăng đã chững lại. Theo đó, sau khi tăng thêm 70 đồng/USD, giá USD tại ngân hàng giữ nguyên không đổi từ phiên 26/03 và giá USD trên thị trường tự do sau khi đã giảm 100 đồng/USD ở phiên 26/03 cũng đã đi ngang.

Tỷ giá trung tâm USD/VND cùng với giá USD tại ngân hàng và thị trường tự do ngừng đà tăng khi ngày 24/03, NHNN chính thức can thiệp USD để bình ổn tỷ giá. Cụ thể, NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN. Theo đó, tỷ giá mua – bán USD ở mức 23,175-23,650 VND/USD, giữ nguyên giá mua và giảm giá bán 258 đồng. Như vậy, mức giá bán tại Sở giao dịch NHNN rẻ hơn so với các ngân hàng khoảng 100 đồng. 

Việc NHNN bán ra USD ra thị trường có thể sẽ ảnh hưởng đến lãi suất VND do tiền VND sẽ quay trở lại NHNN dẫn đến sụt giảm cung tiền, lãi suất VND có khả năng tăng nhẹ.

Vào sáng ngày thứ Sáu (27/03), chỉ số DXY ở mức 99.19 điểm, giảm 280 điểm, tương đương giảm 3% so với mức của phiên cuối tuần 20/03.

Đồng bạc xanh giảm mạnh sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận dự luật kích thích kinh tế quy mô lên tới 2,000 tỷ USD nhằm trực tiếp giúp người lao động Mỹ và nhiều doanh nghiệp trong các ngành ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Đây là gói kích thích có quy mô lớn chưa từng có, cao hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 và các cuộc khủng hoảng trước đó.

Trong 2,000 tỷ USD lần này, một khoản tiền 250 tỷ USD để chyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình Mỹ (hỗ trợ trực tiếp 3,000 USD cho mỗi gia đình), 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng; 350 tỷ USD cho vay các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng chương trình trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp) và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế liên quan.

Cùng với kích thích tiền tệ từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nước Mỹ có thể bơm vào thị trường hơn 6,000 tỷ USD.

Thông tin này ngay lập tức kéo đồng USD đi xuống cho dù các nước khác cũng nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong nước, lãi suất VND đi ngang các kỳ hạn. Cụ thể: kỳ hạn qua đêm ở mức 2.0-2.1%, các kỳ hạn 1 tuần đến 2 tuần ở mức 2.2-2.3%, các kỳ hạn 3 tuần đến 1 tháng dao động quanh mức 2.3-2.5%. Kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng ở mức 2.6%, 3% và 3.6%.

Bênh cạnh đó, lãi suất USD đi ngang. Kỳ hạn qua đêm ở mức 1.1-1.2%, kỳ hạn 1 tuần đến 2 tuần ở mức 1.2-1.4%, kỳ hạn 3 tuần đến 1 tháng ở mức 1.5-1.6%. Các kỳ hạn dài 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng lần lượt ở mức 1.55%, 1.6% và 1.7%.

Thông thương thời điểm cuối tháng lãi suất các kỳ hạn ngắn giảm nhẹ do các ngân hàng gần như đã hoàn thành dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng từ giữa tháng 3 đến nay vẫn không có biến động mạnh. Nguyên nhân do lượng tiền lớn mua tín phiếu chưa đến hạn, cung VND không quá dồi dào. Dự kiến sang đầu tháng 4, lãi suất VND vẫn tiếp tục giữ mức hiện tại.

Khang Di

FILI