Cô gái châu Phi và doanh nghiệp đang làm thay đổi quan niệm về chăm sóc tóc

Cô gái châu Phi và doanh nghiệp đang làm thay đổi quan niệm về chăm sóc tóc

Năm 2013, căn bệnh ung thư của cha Michelle Ntalami trở nên nghiêm trọng. Những đợt hóa trị khiến ông bị rụng hết tóc, thế là cô quyết định cạo luôn mái tóc của mình để đồng hành cùng cha. Tuy vậy, điều đó cũng không cứu được cha cô.

Michelle Ntalami

Giờ đây, ở tuổi 35, Michelle thề rằng cô sẽ bắt đầu "sống lành mạnh và tự nhiên hơn" để giảm nguy cơ bị ung thư trong tương lai.

Vì vậy, khi mái tóc “châu Phi” của cô mọc trở lại, cô quyết định ngừng sử dụng các phương pháp điều trị liên quan đến hóa chất mà hầu hết phụ nữ ở thủ đô Nairobi của Kenya thường dùng để duỗi tóc.

Thay vào đó, cô chỉ mua các sản phẩm chăm sóc tóc tự nhiên cho tóc “châu Phi” tự nhiên. Rủi thay, những thứ này không có sẵn để mua ở Kenya vào thời điểm đó. Vì vậy, Michelle bắt đầu đặt mua chúng từ Mỹ và châu Âu.

Vì việc này tốn kém nên cô bắt đầu tự làm dầu gội, dầu xả và các sản phẩm khác ngay trong phòng tắm của cô, sử dụng các thành phần như bơ, trứng, nước hương thảo và nha đam.

"Khi tôi đưa chúng cho bạn bè dùng thử, họ rất thích. Thế là, tôi nhận ra lập doanh nghiệp bán các sản phẩm chăm sóc tóc tự nhiên có thể là điều khả thi”.

Ngày nay, công ty có trụ sở tại Nairobi của cô - Marini Naturals - mỗi tháng bán ra 50,000 chai và bình ở 12 quốc gia: 10 ở châu Phi, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.

Sau khi lấy được tấm bằng thiết kế và truyền thông của Đại học Nairobi, Michelle dành thời gian sống ở Ý và lấy thêm bằng thạc sĩ thiết kế nội thất từ ​​Học viện Thiết kế Florence, Ý.

Trở về Kenya, ban đầu, cô làm việc cho một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Sau đó, cô gia nhập công ty quảng cáo châu Phi, Sanad Africa.

Nhưng từ lâu, cô đã muốn thành lập doanh nghiệp riêng. Thế là trong thời gian làm việc cho Sanad, cô đồng thời lập ra thương hiệu riêng có tên là Brandvine Group. Cô điều hành nó cùng người bạn thân Niyati Patel, đồng sáng lập công ty Marini sau này với cô.

"Tôi luôn muốn thành lập công ty riêng, vì tôi thích xây dựng một cái gì đó từ đầu", Michelle nói.

Ra mắt Marini vào năm 2015, Michelle cho biết cô sớm nhận ra cô phải đối mặt khó khăn là thuyết phục phụ nữ Kenya từ bỏ những chất duỗi tóc bằng hóa chất và thay vào đó chấp nhận những lọn tóc tự nhiên của họ.

"Hầu hết nhà khoa học về mỹ phẩm đều tuyên bố thị trường châu Phi chưa sẵn sàng cho các sản phẩm chăm sóc tóc tự nhiên, vì hầu hết phụ nữ châu Phi vẫn tin rằng tóc tự nhiên của họ không thể đẹp", cô nói.

Tuy nhiên, với quyết tâm vừa thay đổi suy nghĩ đó vừa tạo nên thành công cho Marini, Michelle quyết định thực hiện một số video và khởi động một chiến dịch trên YouTube. Sử dụng 30 người mẫu, cô đã giới thiệu hơn 50 kiểu tóc tự nhiên được tạo ra bằng các sản phẩm của công ty cô.

"Nó đã trở thành một thành công lớn. Mọi người trên khắp lục địa đã chia sẻ video của chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội và các hướng dẫn trên YouTube của chúng tôi đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị”, cô cho biết.

Điều giúp thúc đẩy doanh số của công ty cô là tất cả thành phần được sản xuất ở châu Phi, chẳng hạn như dầu dừa từ Kenya, bơ làm từ hạt mỡ là từ Uganda và nước hoa tự nhiên có xuất xứ từ Nam Phi. Tuy nhiên, bao bì lại đến từ Trung Quốc, vì Michelle thừa nhận không thể tìm thấy chai và bình có chất lượng đủ chuẩn ở châu Phi.

Đã bán Marini Naturals bên ngoài châu Phi (Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ), Michelle giờ đây chú ý đến việc mở rộng toàn cầu hơn nữa. Cô nói rằng sự quan tâm dành cho các sản phẩm của cô ngày càng tăng khi nhiều đàn ông và phụ nữ gốc Phi quyết định từ bỏ việc duỗi tóc.

"Nhờ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng này, giờ đây, chúng tôi muốn mở rộng Marini thêm nữa vào châu Âu và Mỹ", cô nói.

Công ty cô cũng có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu loạt sản phẩm chăm sóc da mới.

Michelle tâm sự mặc dù cô rất hài lòng khi được ​​khách hàng phản hồi tích cực nhưng hình ảnh người cha quá cố thường xuất hiện trong suy nghĩ của cô.

"Tôi rất nhớ ông ấy. Có lẽ Marini Naturals là món quà của ông dành cho tôi trước khi ra đi. Có thể biến nó thành sản phẩm thay đổi cuộc sống của hàng triệu phụ nữ, đàn ông và trẻ em trên toàn thế giới là điều cực kỳ thỏa mãn”, cô cho biết.

Nhã Thanh (Theo BBC)

FILI