Vàng thế giới đảo chiều giảm hơn 1.5%

Vàng thế giới đảo chiều giảm hơn 1.5%

Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu suy giảm vào ngày thứ Ba (25/02), xóa gần hết đà tăng trong phiên trước đó trong một động thái chốt lời rõ ràng, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 4 rớt 26.60 USD (tương đương 1.6%) xuống 1,650 USD/oz.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay mất 1% còn 1,644.40 USD/oz.

Vàng đã tăng hơn 1.7% vào ngày thứ Hai (24/02) lên đỉnh 7 năm khi nhà đầu tư rút khỏi chứng khoán toàn cầu và đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan COVID-19 bên ngoài Trung Quốc.

“Có quá nhiều người nghĩ rằng vàng đang tăng chỉ vì sự bùng phát COVID-19”, Peter Spina, Chủ tịch và CEO của GoldSeek.com, nhận định. “Đó chỉ là yếu tố góp phần vào đà tăng của vàng thôi. Yếu tố chi phối chính là đà lao dốc của lãi suất thực trên toàn cầu”.

“Trong khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế xung quanh dịch COVID-19 là yếu tố gần đây nhất thúc đẩy giá vàng, thì có rất ít lý do để vàng giảm giá đáng kể trong môi trường toàn cầu hiện tại”, Jeff Klearman, Quản lý danh mục tại GraniteShares, cho hay.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức thấp mọi thời đại mới là 1.322% trong ngày thứ Ba. Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng nhuốm sắc đỏ, nới rộng đà lao dốc từ ngày thứ Hai (24/02) khi Dow Jones và S&P 500 đều sụt hơn 3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong 2 năm.

Nhìn chung, vàng đã hoạt động tốt trong bối cảnh lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm, nhưng ít nhất một nhà phân tích đã cảnh báo rằng vàng cuối cùng có thể bị ảnh hưởng bởi đà sụt giảm đó.

Đối với hiện tại, áp lực đối với vàng dường như xuất phát từ động thái chốt lời trên đà tăng gần đây, với dữ liệu gần đây nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cho thấy mức cao kỷ lục ở các vị thế vàng đầu cơ dài, Ipek Ozkardeskaya, Chuyên gia phân tích tại Swissquote, chia sẻ.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 3 sụt 3.6% xuống 18.191 USD/oz. Hợp đồng bạch kim giao tháng 4 mất 4.3% còn 932.30 USD/oz.

Trong khi đó, hợp đồng đồng giao tháng 3 nhích 0.04% lên 2.578 USD/lb. Hợp đồng paladi giao tháng 3 vọt 5% lên 2,647.80 USD/oz.

An Trần

FILI