Nhà đầu tư học được gì từ Kobe Bryant

Nhà đầu tư học được gì từ Kobe Bryant

Kobe Bryant đã rời xa chúng ta nhưng bài học của anh ấy vẫn ở lại. Một huyền thoại luôn có nhiều thứ để học hỏi dù là mặt tốt hay mặt xấu.

Kobe Bryant là thần tượng của giới thể thao. Nguồn: CNBC

Phòng ngừa rủi ro mọi lúc mọi nơi

Khi còn sống, Kobe Bryant thường xuyên sử dụng trực thăng để di chuyển vì anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình cũng như tập luyện thay vì ngồi chờ trong xe hơi do kẹt xe. Đây là giải pháp khá hợp lý cho những người nhiều tiền nhưng lại có ít thời gian như huyền thoại bóng rổ này.

Tuy nhiên, Kobe Bryant và vợ đã thỏa thuận với nhau sẽ không bao giờ đi chung máy bay. Sự thận trọng này đã giúp cho các con của cựu cầu thủ Los Angeles Lakers không mất cả cha lẫn mẹ sau tai nạn khủng khiếp ngày 26/01/2020.

Nhà đầu tư cần học hỏi một cách nghiêm túc sự thận trọng này. Đầu tư là sự tính toán tranh đấu liên tục không thôi để sinh tồn và phát triển. Nhà đầu tư không cần mạnh mẽ và hùng dũng như sư tử mà cần phải có giữ được sức sống mãnh liệt, khả năng thích ứng siêu phàm như loài gián. Cơ hội chỉ đến với những người sống sót sau cùng!

Thay vì ngồi mơ mộng về những khoản lãi khủng trong tương lai, nhà đầu tư phải liên tục tự cảnh tỉnh chính mình, bịt kín các kẽ hở và rà soát các rủi ro có thể xảy ra để tiếp tục sống sót trên thị trường khắc nghiệt này!

Hiện trường vụ tai nạn trực thăng chở Kobe Bryant. Nguồn: Sputnik News

Bạn bè sẽ đến và đi nhưng chức vô địch thì còn mãi

Người ta có thể xuýt xoa trước một pha bóng đẹp, có thể tiếc hận cho một anh hùng lỡ vận rời giải đấu trong tư thế ngẩng cao đầu… nhưng thiên hạ luôn phải cúi mình trước nhà vô địch. Muốn vô địch, bạn phải bóp chết sự mộng mơ, phải thực dụng đến tàn nhẫn và đôi khi phải chấp nhận những lời chửi rủa trong quá trình đi đến vinh quang cuối cùng. Kobe Bryant hiểu rằng chiến thắng là tất cả. Anh không cần phải làm đẹp lòng một cá nhân nào vì nhà vô địch thường rất ít bạn bè nhưng lại có vô số đối thủ. Chức vô địch mới chính là chân lý!

Nếu bạn là một nghệ sỹ, bạn có thể mơ mộng. Nhưng nếu bạn là một nhà đầu tư tài chính thì hãy bóp chết nó ngay lập tức. Đầu tư không lãng mạn như làm thơ, không thăng hoa như viết nhạc mà “cực kỳ nhàm chán và thực tế” giống như lời George Soros đã từng nói. Lợi nhuận và trên hết và bạn phải luôn tập trung vào nó!

Không cần hoàn hảo nhưng phải có bản sắc riêng

Tỷ suất sinh lời của những nhà đầu tư huyền thoại như Irving Kahn, Warren Buffett… không có tỷ suất sinh lời quá ấn tượng và phương pháp của họ cũng không quá phức tạp, khó hiểu. Bản sắc của họ nằm ở sự ổn định trong suốt nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thế. Ông không phải là một chính trị gia hợp cách, không khéo léo trong việc thể hiện ý tưởng hoặc lấy lòng người khác. Tuy nhiên, ông lại gây chú ý với phong cách nói chuyện thẳng thắn đến mức “toạc móng heo” của mình.

Kobe Bryant cũng tương tự như vậy. Anh thường bị chỉ trích là thi đấu vô cùng cá nhân, ích kỷ. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp của mình, Kobe có vẻ như cũng không quan tâm đến việc cải thiện nó nhiều lắm. Thậm chí, anh còn “nâng tầm” sự ích kỷ này lên một cấp độ cao hơn. Bởi vì anh hiểu rằng: nếu bạn chơi cá nhân và không ghi được điểm thì bạn là thằng ngốc; còn nếu bạn chơi cá nhân nhưng vẫn ghi điểm và hủy diệt đối thủ thì bạn là thiên tài. Và anh đã trở thành vế sau: một cầu thủ có lới chơi ích kỷ nhưng cực kỳ hoa mỹ và đẹp mắt. Đồng thời, anh cũng trở thành nỗi ám ảnh thường trực của các đối thủ.

Bạn không cần phải hoàn hảo “tròn như hòn bi” nhưng cần có bản sắc riêng. Với Kobe Bryant trong đội hình, Los Angeles Lakers gần như trở thành bá chủ của NBA trong giai đoạn 2000-2004, thay thế cho giai đoạn thống trị trước đó của Chicago Bulls với huyền thoại Michael Jordan. Mặt khác, Bryant và Jordan cùng chơi ở vị trí Shooting Guard nên có lối chơi khá gần nhau.

Khi biết báo chí so sánh mình với “vua bóng rổ” Michael Jordan, Kobe đã nói một cách thẳng thắn: “Tôi không muốn trở thành Michael Jordan kế tiếp. Tôi là Kobe Bryant và chỉ muốn trở thành Kobe mà thôi”.

Các cổ phiếu đều có mặt tốt mặt xấu. Doanh nghiệp làm ăn tốt, tăng trưởng nhưng ngành xấu thì chưa chắc giá đã lên. Quan trọng là ta có thể tận dụng được các điểm mạnh của chúng để phục vụ cho mục đích của mình.

Kobe Bryant tranh bóng cùng Michael Jordan. Nguồn: The Washington Post

Vững vàng trước nghịch cảnh

Kobe Bryant đã vượt qua chấn thương đứt gân Achilles một cách thần kỳ bằng ý chí kiên cường không đầu hàng trước nghịch cảnh. Đứt gân gót chân Achilles được coi là chấn thương tệ nhất mà một cầu thủ bóng rổ có thể mắc phải. Hầu hết những cầu thủ từng mắc phải chấn thương này không bao giờ lấy lại được phong độ đỉnh cao.

Ở độ tuổi 34, không nhiều người nghĩ Kobe có thể trở lại với đỉnh cao sự nghiệp sau chấn thương nặng như vậy. Tuy nhiên, Kobe đã làm được điều phi thường đó. Anh gần như phải làm lại từ đầu, học cách di chuyển, cách chạy và hồi phục sức bật để một lần nữa vươn lên đỉnh cao của môn bóng rổ.

Nhà đầu tư cũng phải trang bị cho mình một tinh thần kiên cường như thế. Sự nghiệp đầu tư luôn phải đối mặt với các khó khăn, với viễn cảnh thua lỗ, sức ép nặng nề từ nhiều phía… Nếu không có tâm lý vững vàng, nhà đầu tư sẽ dễ buông xuôi trước các biến động bất ngờ của thị trường chứng khoán. Điều nhà đầu tư cần ghi nhớ là phải có lòng tin sắt đá vào phương pháp phân tích của bản thân.

Trong quá trình đầu tư cũng như trong cuộc sống bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đôi lúc, bạn sẽ thấy cuộc sống này thật ngột ngạt, mệt mỏi và quá nhiều khó khăn. Những lúc ấy, bạn hãy nhớ đến Kobe Bryant và đừng bỏ cuộc!

Thế Phong

FILI