Giá cổ phiếu doanh nghiệp hàng không ‘bay ngược’ kết quả kinh doanh 2019

Giá cổ phiếu doanh nghiệp hàng không ‘bay ngược’ kết quả kinh doanh 2019

Mặc dù xuất hiện nhiều gương mặt mới, nhưng ngành hàng không Việt Nam năm 2019 lại ghi nhận bức tranh kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, khi hơn 50% doanh nghiệp báo lãi đi lùi so với năm trước. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không niêm yết lại khả quan hơn khi hầu hết đều tăng giá so với đầu năm.

 

Theo thống kê 6 doanh nghiệp niêm yết trong ngành hàng không đã công bố BCTC năm 2019 của Vietstock, có tới 50% doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế giảm.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành hàng không năm 2019. Đvt: Tỷ đồng

Hai ông lớn trong ngành hàng không ‘bay ngược’

Trong năm 2019, cả 2 ông lớn trong ngành hàng không là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN)Hàng không Vietjet (VietjetAir, HOSE: VJC) đều công bố kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm 2018.

Đầu tiên, Vietnam Airlines ghi nhận 2,517 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm nhẹ 3% so với năm trước và 98,176 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ năm trước. Mặc dù vậy, với kết quả trên, HVN đã vượt 23% kế hoạch doanh thu và 5% lợi nhuận đề ra cho năm 2019.

Trong khi đó, Vietjet Air ghi nhận lãi sau thuế giảm 21% so với năm trước, chỉ còn gần 4,219 tỷ đồng, doanh thu thuần cũng đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước, ghi nhận 52,059 tỷ đồng.

Theo lý giải từ Vietjet Air, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng tàu bay hoãn lại do kế hoạch giao tàu của Airbus giãn ra. Năm 2018, Công ty đã bán 16 tàu, trong khi năm 2019 chỉ bán 7 tàu. Kết quả giãn kế hoạch bán tàu bay phản ánh trong lũy kế doanh thu và lợi nhuận hợp nhất giảm nhẹ so với năm trước.

Kết quả kinh doanh trong năm chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu phụ trợ gồm cộng thêm các khoản thu dịch vụ, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo.

Dịch vụ hỗ trợ hàng không “cất cánh”

Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt tăng 24% và 28% so với năm 2019, đạt hơn 1,585 tỷ đồng và 374 tỷ đồng. Công ty giải trình trong quý 4/2019 đã hoàn tất việc đàm phán, ký lại hợp đồng và tăng giá dịch vụ cho một khách hàng có tần suất khai thác cao.

Tiếp theo, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) cũng ghi nhận tổng doanh thu và lãi sau thuế năm 2019 lần lượt tăng 11% và 21% so với năm 2018, ghi nhận đạt gần 748 tỷ đồng và 503 tỷ đồng. Theo đó, Công ty gần như đã hoàn thành được kế hoạch đưa ra trong năm 2019.

Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, HNX: MAS) - công ty liên kết của Vietnam Airlines với tỷ lệ nắm giữ 36.11%, ghi nhận hơn 15 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng nhẹ 4% so với năm 2018 và thực hiện được 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong khi đó, công ty con khác của Vietnam Airlines là Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) lại giảm 8% lợi nhuận sau thuế xuống còn 221 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu “ngược đường bay” với kết quả kinh doanh

Thay đổi giá cổ phiếu ngành hàng không trong năm 2019.
Đvt: Đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance

Trong năm 2019, mặc dù kết quả kinh doanh sụt giảm nhưng giá cổ phiếu VJC lại tăng liên tục, từ 23% so với đầu năm và đạt đỉnh vào ngày cuối cùng của năm tại mức giá 146,200 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân 630,411 cp/phiên.

Giá cổ phiếu HVN leo dốc trong nửa đầu năm 2019, nhưng sau đó thả dốc không phanh từ đỉnh 43,997 đồng/cp (ngày 28/05/2019). Tính cho cả năm 2019, giá cổ phiếu HVN chỉ tăng nhẹ 2%.

Diễn biến giá cổ phiếu VJCHVN từ đầu năm 2019 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Ngược lại, dù SGN, SCS báo lãi tăng mạnh, giá cổ phiếu lại sụt giảm mạnh năm 2019.

Nhân tố mới Bamboo Airway gặt được gì sau 1 năm ra mắt?

Trong năm 2019, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, OTC: BAV) thực hiện khai thác 40 đường bay nội địa và quốc tế, với đội bay 28 máy bay. Hãng đã vận chuyển hơn 3 triệu lượt hành khách trên hơn 20,000 chuyến bay, với tỷ lệ đúng giờ trung bình đạt 94%.

Đội bay của Bamboo Airways dự kiến đạt 30 máy bay trong quý 1/2020, tăng 50 máy bay đến cuối năm 2020, bao gồm 12 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên của Bamboo Airways

Theo số liệu thống kê của Cục hàng không Việt Nam (CAA), tổng cộng số chuyến bay khai thác của Việt Nam trong năm 2019 là 326,680 chuyến bay, tăng 10.2% so với năm 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ chiếm tỷ lệ 86.4%.

Số liệu khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không trong năm 2019
Nguồn: Cục hàng không Việt Nam

Hãng bay của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa kịp cất cánh đã dừng

Ngay khi thành lập vào tháng 07/2019, Hàng không Vinpearl Air (Vinpearl Air) đã được nhiều chuyên gia nhận định tiềm năng tích cực do hãng hàng không này gắn liền với tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Vinpearl Air trước đó dự kiến vận hành vào tháng 07/2020, chọn địa điểm hoạt động chính là sân bay quốc tế Nội Bài.

Tuy nhiên, tham vọng lấn sân của ông chủ Vingroup sẽ không thể cất cánh khi Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) chính thức công bố vào ngày 14/01/2020 rút chân ra khỏi lĩnh vực hàng không để tập trung chính vào lĩnh vực công nghệ và công nghiệp.

Dịch cúm Corona (nCOV) ảnh hưởng thế nào đến ngành hàng không?

Ngày 03/02/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Đồng thời, thông báo dừng và hủy hàng loạt đường bay đến Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không của nước ta.

Trước tình hình diễn biến phức tạp và có thể kéo dài của dịch cúm Corona, ngành hàng không được cho là một trong những ngành sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này khoảng hơn 10,000 tỷ đồng.

CTCK KB (KBSV) đưa ra các kịch bản về thời gian kéo dài của dịch nCoV tác động đến tăng trưởng hành khách quốc tế tại Việt Nam, với giả định tăng trưởng khách hàng Trung Quốc giảm 75% và hành khách từ các quốc gia khác không tăng trưởng trong các tháng diễn ra dịch.

Với giả định cơ sở là thời gian dịch bệnh kéo dài 3-4 tháng, KBSV dự phóng lượt hành khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 hầu như không có tăng trưởng, đạt khoảng -1% đến 2%, giảm 15% so với năm 2019.

Theo SSI Research, tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc (điểm đến tại Trung Quốc và du khách từ nước này).

Đi cùng với các hãng vận tải, ngành dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, hành khách từ Trung Quốc chiếm đến 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm, do nhu cầu tiêu dùng từ Trung Quốc thấp hơn và các hoạt động sản xuất tại nước này bị hạn chế.

Trong bối cảnh này, kết quả kinh doanh ngành hàng không được dự báo sẽ khó khăn trong năm 2020. Hiện chưa có đơn vị nào trong ngành công bố kế hoạch kinh doanh chi tiết trong năm 2020.

Tiên Tiên

FILI