Vietjet Air báo lãi ròng 4,219 tỷ đồng trong năm 2019

Vietjet Air báo lãi ròng 4,219 tỷ đồng trong năm 2019

Theo BCTC quý 4/2019 của CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, HOSE: VJC), doanh thu thuần năm 2019 ghi nhận gần 52,060 tỷ đồng, suýt soát cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 5,011 tỷ đồng, thực hiện được 81% kế hoạch; lãi ròng đạt gần 4,219 tỷ đồng.

Năm 2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vietjet ghi nhận gần 52,060 tỷ đồng, suýt soát cùng kỳ năm trước, thực hiện được 89% kế hoạch năm. Riêng trong quý 4/2019, doanh thu của Vietjet đạt gần 13,926 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ chuyển vận chuyển hành khách (38%), chuyển giao quyền sở hữu và thuê tàu bay (37%).

Cơ cấu doanh thu của Vietjet trong quý 4/2019
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 của VJC.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet trong năm 2019 gấp 2.2 lần năm trước, đạt gần 737 tỷ đồng. Tính riêng trong quý 4/2019, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận 118 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và cho vay, chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.

Chi phí tài chính trong năm của Vietjet ghi nhận gần 981 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay chiếm 351 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2019 của Vietjet. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 của Vietjet

Riêng doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng tàu bay hoãn lại do kế hoạch giao tàu của Airbus giãn ra. Năm 2018 Công ty đã bán 16 tàu, năm 2019, Công ty chỉ bán 7 tàu. Kết quả giãn kế hoạch bán tàu bay phản ánh trong lũy kế doanh thu và lợi nhuận hợp nhất giảm nhẹ so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietjet đạt gần 5,011 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018, thực hiện được 81% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,219 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng năm 2019 đạt gần 4,219 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Để bù đắp tàu bay giao chậm của Airbus, Vietjet đã thuê thêm 9 tàu bay, nâng số lượng tàu đưa vào vận hành khai thác đến cuối năm 2019 là 78 tàu bay với tổng số giờ khai thác là 321 nghìn giờ an toàn để đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách với 139 nghìn chuyến bay. Hệ số sử dụng ghế đạt 87%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99.64%.

 

Kết quả kinh doanh tăng trưởng còn nhờ vào chiến lược tăng trưởng doanh thu phụ trợ (ancillary), chủ yếu bao gồm các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa (cargo), doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo. Năm 2019, doanh thu phụ trợ đạt 11,356 tỷ, tăng 35% so với năm trước. Theo đó, cơ cấu doanh thu phụ trợ cũng chuyển dịch từ 25.4% năm 2018 lên 28% trong tổng doanh thu vận chuyển hàng không. 

 

Tại ngày 31/12/019, tổng tài sản Vietjet đạt 47,608 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 18,986 tỷ đồng, tăng đến 85% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các khoản đặt cọc mua máy bay, các khoản đóng góp bảo dưỡng máy bay, chi trả hộ bên liên quan công ty Thái VZ.

Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn ghi nhận gần 12,940 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ quỹ bảo dưỡng cho máy bay thuê, đặt cọc mua máy bay, đạt cọc thuê máy bay.

Trong năm 2019, Vietjet tăng khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn từ 7.8 tỷ đồng năm trước lên 149.4 tỷ đồng năm 2019, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4% lên 9.1%.

Vốn chủ sở hữu của Vietjet cũng đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận 15,315 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019.

Một số chỉ tiêu tài chính tại ngày 31/12/2019 của Vietjet. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 của Vietjet

Cát Lam

FILI