VDSC: VPBank không còn áp lực lớn từ dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2020

VDSC: VPBank không còn áp lực lớn từ dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2020

Theo Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), Thông tư 18/2019/TT-NHNN tác động nhỏ tới tăng trưởng của FeCredit trong 5 năm tới (2020-2024). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tính trong năm 2020 là 12,417 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo của VPBank, Công ty đã đạt được 8.4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 10 tháng đầu năm 2019 và dự kiến sẽ vượt 10% kế hoạch năm. Do đó, VDSC điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế VPBank năm 2019 lên 10,091 tỷ đồng (+ 9.7% so với cùng kỳ) để phản ánh xu hướng giảm CIR của Ngân hàng. Giả định Tỷ lệ chi phí trên thụ nhập (CIR) của ngân hàng mẹ và CIR không bao gồm thu nhập từ FeCredit lần lượt là 36%/ 39%, phù hợp với kết quả kinh doanh 9T2019.

Trong năm 2020, VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất VPBank là 12,417 tỷ đồng (+23.1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó 6,747 tỷ đồng (+31.8% cùng kỳ năm trước) đến từ ngân hàng mẹ và 5,670 tỷ đồng (+13.8% cùng kỳ năm trước) đến từ FeCredit.

Mức tăng trưởng từ ngân hàng mẹ chủ yếu nhờ chi phí dự phòng giảm 16.2% so với cùng kỳ do ngân hàng đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2019. Do đó, áp lực lớn từ dự phòng trái phiếu VAMC cuối cùng đã kết thúc, cho phép ngân hàng chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới vào năm 2020.

Ước tính năm 2020, VDSC dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng của VPBank như sau:

  • Tăng trưởng dư nợ cho vay và tạm ứng khách hàng của ngân hàng mẹ và FeCredit là 15.2%/ 15.0%.
  • NIM của ngân hàng mẹ giả định đạt 4.91% vì lãi suất cho vay trung bình có thể không đổi trong năm 2020.
  • Chi phí tín dụng của FeCredit điều chỉnh thành 13.5% dựa trên kỳ vọng Công ty sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh thông qua việc cải thiện chi phí hoạt động thay vì đặt mục tiêu giảm chi phí tín dụng. 

VDSC nhận thấy Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi các điều khoản trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng đối với công ty tài chính có tác động nhỏ tới tăng trưởng của FeCredit về dư nợ cho vay trong 4 năm tới (2020-2023), do công ty gần đây cho biết tỷ trọng cho vay khách hàng có khoản vay trên 20 triệu đồng chiếm 59%.

Trong năm 2024, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng của FeCredit sẽ chậm lại ở mức 9% so với cùng kỳ năm trước (so với 13.4% trong giai đoạn 2020-2023) để đảm bảo giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt từ 50% về 30%. Các khoản phí từ dịch vụ thẻ tín dụng và từ hệ sinh thái mới (FE 3.0) mà công ty đang phát triển sẽ phần nào bù đắp được phần giảm trong thu nhập lãi ròng (NII). Theo mô hình định giá của VDSC, tỷ lệ CAGR về lợi nhuận trước thuế của FeCredit ở mức 13%/năm trong giai đoạn 2020- 2024.

Do tỷ trọng cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng chiếm 59%, VDSC nhận thấy Thông tư 18 có tác động nhỏ đến kết quả kinh doanh của FeCredit trong 4 năm tới (2020-2023). Theo đó, đến năm 2024, danh mục sản phẩm của Công ty sẽ bao gồm 50% thẻ tín dụng, 40% cho vay tiền mặt và 10% bao gồm cho vay xe máy và hàng điện máy.

Hàn Đông

FILI