Những kỳ vọng lớn lao của chứng khoán

Những kỳ vọng lớn lao của chứng khoán

Chứng khoán Việt mở đầu năm 2020 phủ một lớp màn trầm lặng, phải chăng, bởi nhà đầu tư đang có cái nhìn kém lạc quan với thị trường. Nhưng có lẽ nào thị trường năm 2020 thật sự thiếu triển vọng?

Năm 2019 khép lại với kết quả tăng điểm của VN-Index, song nhìn chung bức tranh trong năm khá ảm đạm.

Nhà đầu tư cũng vì vậy mà chào chứng khoán năm 2020 với tâm lý không mấy lạc quan do dư âm từ năm trước.

Thanh khoản sàn HOSE trong gần 2 tuần giao dịch đầu năm chỉ đạt gần hơn 3,700 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với tháng liền trước. Sàn HNX còn kém hơn khi giá trị giao dịch chỉ đạt gần 275 tỷ đồng, giảm gần 30%. Nhiều cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (ROS, LMH, VRC…) trong khi chỉ số thì hầu như rung lắc khiến bức tranh chung ám màu ảm đạm.

Thị trường chứng khoán 2020 có thực sự ảm đạm như góc nhìn của nhà đầu tư?

Vĩ mô ổn định, định giá hợp lý

Bước vào năm mới, các CTCK lần lượt tung báo cáo chiến lược năm 2020 mà hầu hết các dự báo đều mang tính tích cực. Mức mục tiêu của VN-Index đều được dự báo sẽ vượt 1,000 điểm (mốc “thiên đường” mà chỉ số chinh phục thất bại năm 2019).

Dự báo VN-Index năm 2020 của các CTCK

Báo cáo của các CTCK đều đồng thuận vĩ mô ổn định tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong năm 2020. Mặc dù tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo giảm tốc nhẹ, nhưng vẫn là điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng chậm trên toàn thế giới, mặt bằng lãi suất ổn định, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát.

Đồng thời, giải ngân đầu tư công, sau một năm tăng chậm và không đạt kế hoạch, sẽ được thực thi quyết liệt hơn trong năm 2020.Những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Đây là động lực tăng trưởng cho không chỉ kinh tế mà trực tiếp cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán như xây dựng và vật liệu xây dựng.

Một điểm được đồng thuận khác là định giá của thị trường Việt Nam đã trở về mức hợp lý tiệm cận trung bình 10 năm. P/E Việt Nam năm 2020 được dự báo vào khoảng 14 – 15 lần. Đây là một trong những điểm nhấn đầu tư đáng chú ý.

Vốn ngoại vẫn sẽ chọn Việt Nam

Bên cạnh đó, thị trường tiềm tàng khả năng đón nhận được dòng vốn ngoại mới, dòng vốn này chảy vào thị trường thông qua các quỹ ETF, quỹ đầu tư bám theo chỉ số MSCI Frontier.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng khi chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn. Nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này, thì các khối ngoại sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt Nam.

khối ngoại sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong báo cáo chiến lược của mình, CTCK BVS nhận định nếu được MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng, FTSE chính thức nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có đợt tăng điểm mạnh nhờ vào kỳ vọng dòng vốn mới. Trong khi tốc độ tăng trưởng vốn hóa của Việt Nam đạt gần 250% sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức cao, tỷ lệ vốn hóa/GDP của thị trường cổ phiếu vẫn ở mức dưới 80%, tiềm năng tăng trưởng về quy mô của thị trường cổ phiếu còn nhiều.

Bên cạnh đó việc nâng hạng, và có thêm các bộ chỉ số mới sẽ là kênh dẫn vốn ngoại vào thị trường Việt Nam trong các năm tới thông qua các quỹ ETF mới.

Vẫn cần phải nỗ lực

Mặc dù có nhiều cơ hội hơn trong năm 2020, thị trường chứng khoán sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Tâm điểm là sự bất định của các yếu tố quốc tế mà căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran trong những ngày đầu năm là một ví dụ. Bên cạnh đó, diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa ngã ngũ.

Ở trong nước, nhiều điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại. Việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.

Theo báo cáo của SSI, năm 2020, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực. Một nền tảng kinh tế vững chắc đang dần được bồi đắp và vì vậy sự đi lên chậm rãi của chỉ số lại là điều cần thiết, giúp tránh các rủi ro không đáng có do thị trường tăng nóng.

Ở phương diện chủ thể chính tham gia thị trường là nhà đầu tư, thị trường vẫn đang nhận được sự quan tâm nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân.

Thi thoảng lướt trên các diễn đàn về chứng khoán có thể thấy các bài đăng hỏi về cách tham gia thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy, chứng khoán vẫn luôn là một trong những kênh đầu tư được xem xét khi các cá nhân có dòng tiền nhàn rỗi.

Nhiều quỹ ngoại đã và đang rót vốn vào thị trường Việt Nam trong khi còn nhiều quỹ ngoại khác đang tìm cơ hội rót vốn vào thị trường.

Quan trọng là thị trường chứng khoán phải minh bạch và có cơ chế quản lý, phát triển thị trường hiệu quả. Ảnh: Internet

Tựu chung, thị trường chứng khoán vẫn sẽ đạt được tăng trưởng trong dài hạn. Nhưng để được điều đó, nền tảng cơ bản tốt chưa phải là đủ. Quan trọng là thị trường chứng khoán phải minh bạch và có cơ chế quản lý, phát triển thị trường hiệu quả. Có như vậy, nhà đầu tư (cả tổ chức lẫn cá nhân) mới an tâm mà rót tiền vào thị trường. Từ đó, thị trường mới có đà đi lên.

Góc nhìn chuyên gia

Chí Kiên

FILI