Kinh tế Đức có năm tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013

Kinh tế Đức có năm tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013

Nền kinh tế Đức tăng trưởng 0.6% trong năm 2019, theo văn phòng thống kê liên bang Destatis của Đức. Con số này cho thấy sự suy giảm mạnh về tăng trưởng và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013.

Đà tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trùng khớp với các dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Con số GDP cả năm 2019 cho thấy tăng trưởng giảm tốc từ mức 1.5% của năm 2018 và mức 2.2% trong năm 2017.

“Dù vậy, nền kinh tế Đức vẫn ghi nhận năm tăng trưởng thứ 10 liên tiếp. Đây là giai đoạn tăng trưởng dài nhất của Đức. Tuy nhiên, tăng trưởng đã mất đà trong năm 2019”, Destatis cho biết. “Tăng trưởng của năm 2019 chủ yếu được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng”.

“Kim ngạch xuất khẩu của Đức tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019 mặc dù chậm hơn so với nhứng năm trước đó”.

Destatis cho biết thành quả kinh tế tăng trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng lại giảm đáng kể trong các ngành sản xuất hàng hóa. Sự suy giảm về tăng trưởng kinh tế là một phần của xu hướng tại Đức trong những năm trở lại đây và được khuếch đại bởi căng thẳng thương mại toàn cầu – một yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, vốn đã từng là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức. Ngành xe hơi Đức cũng chịu nhiều áp lực do doanh số bán xe hơi giảm tốc và sự chuyển dịch sang hoạt động sản xuất các phương tiện thân thiện với môi trường hơn.

2019 là một năm cực kỳ gian truân đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu – vốn thường được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Dù sao thì Đức vẫn chưa rơi vào suy thoái – được định nghĩa là 2 quý liên tiếp có tăng trưởng âm – và con số GDP công bố trong tháng 11/2019 cho thấy tăng trưởng chỉ ở mức 0.1% trong quý 3/2019. Trước đó, kinh tế Đức thậm chí còn tăng trưởng âm 0.2% trong quý 2/2019.

Theo những tính toán tạm thời, Destatis cho biết Chính phủ Đức có thặng dư ngân sách trong năm 2019 lên đến 49.8 tỷ Euro (tương đương 55.4 tỉ USD), năm thứ 8 liên tiếp. Tuy vậy, con số này không cao bằng con số thặng dư ngân sách kỷ lục 62.4 tỷ Euro trong năm 2018.

Dữ liệu tăng trưởng GDP mới nhất có khả năng làm dấy lên những lời kêu gọi Chính phủ Đức tăng chi tiêu công để thúc đẩy kinh tế.

Những người đối lập với Chính phủ liên minh – do Thủ tướng Angela Merkel dẫn dắt – cáo buộc rằng Chính phủ Đức bị ám ảnh với chính sách “schwarze Null”, trong đó duy trì ngân sách cân bằng và không tạo thêm nợ mới. Thậm chí đồng minh của bà Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn cáo buộc Đức hơi quá tôn sùng chính sách ngân sách cân bằng.

Vương Đông (Theo CNBC)

FILI