Tương lai mịt mờ nếu Mỹ triển khai áp thuế vào ngày 15/12

Tương lai mịt mờ nếu Mỹ triển khai áp thuế vào ngày 15/12

“Đòn đánh” mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các thị trường rằng hạn chót áp thuế đang tới gần.

Hạn chót ngày 15/12 về hàng rào thuế quan bỗng trở thành tâm điểm chú ý trong ngày thứ Ba (03/12), khi Tổng thống Trump cho biết ông không gấp rút hoàn tất thỏa thuận với Trung Quốc, ngay sau khi dọa áp hàng rào thuế quan đối với một số đối tác thương mại.

“Nếu hàng rào thuế quan vào ngày 15/12 được triển khai, đó sẽ là một cú sốc lớn đến tâm lý trên thị trường”, Sue Trinh, Giám đốc phụ trách chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Manulife Investment Management ở Hồng Kông, cho hay. “Ông Trump sẽ là người phá đám mùa Giáng sinh”.

Chứng khoán toàn cầu đã gần đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng trước, một phần là nhờ nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc khả năng cao sẽ tiến tới thỏa thuận. Trong khi đó, đồng hồ đang điểm về ngày 15/12, thời điểm ông Trump dọa áp thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Khi chỉ còn 2 tuần là đến hạn chót quan trọng với Trung Quốc, chính quyền Trump đã áp hàng rào thuế quan lên thép từ Brazil và Argentina, đồng thời đề xuất áp thuế đến 100% lên 2.4 tỉ USD hàng hóa từ Pháp như là một động thái đáp trả lại thuế kỹ thuật số của nước này.

Chưa hết, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer cho biết Chính phủ đang tìm hiểu xem liệu có mở cuộc điều tra tương tự vào thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các động thái từ ông Trump – người tự gọi mình là “ông Thuế quan” – đã đủ để châm ngòi cho làn sóng bán tháo mạnh nhất trong 8 tuần trên Phố Wall – với sự "giúp đỡ" đôi chút từ báo cáo sản xuất yếu ớt của Mỹ.

“Tôi không áp đặt thời hạn tiến tới thỏa thuận”, ông Trump nói với các phóng viên ở Luân Đôn, khi được hỏi liệu ông có muốn tiến tới thỏa thuận trước khi kết thúc năm 2019 hay không. Thế là chứng khoán Mỹ rớt mạnh.

Tổng thống Mỹ còn đề xuất rằng theo một cách nào đó, có lẽ tốt hơn là chờ đến sau cuộc bầu cử tháng 11/2020 rồi mới tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Tương lai mờ mịt

“Chắc chắn là nhà đầu tư sẽ né tránh rủi ro thôi”, Tongli Han, Giám đốc đầu tư tại Deepblue Global Investment, cho hay trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. “Những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây khiến thỏa thuận thương mại này trở nên tốn kém hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vì vậy, tôi dự rằng tương lai sẽ khá mờ mịt trong ngắn hạn, 1-2 tháng tới”.

Năm 2020 có khá khẩm hơn?

Khi năm 2019 dần khép lại và triển vọng tiến tới thỏa thuận thương mại trông có vẻ xa vời hơn, đây là lúc nhà đầu tư giảm bớt rủi ro, Steve Brice, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Standard Chartered private bank, cho biết.

“Có vẻ như thỏa thuận sẽ được đẩy sang đầu năm 2020, đó là trường hợp tốt nhất”, Brice cho biết. Thông điệp gửi tới nhà đầu tư là “có lẽ nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu hoặc chắc chắn không mua đuổi trong thị trường tại giai đoạn này. Nhưng hãy làm vậy trong vài tuần sau nếu thị trường rớt 5-7%”.

Trong dài hạn, Brice vẫn lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn tiến tới một thỏa thuận thương mại nào đó. Điều đó sẽ giảm bớt sự không chắc chắn và giúp nền kinh tế toàn cầu hoạt động tốt.

Tâm lý lạc quan vụn vỡ

Đối với Kerry Craig, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, mối quan ngại chính hiện nay là thị trường đã phản ánh triển vọng tiến tới thỏa thuận thương mại vào giá, nhưng cho đến nay thỏa thuận vẫn chưa được ký kết.

“Có quá nhiều sự lạc quan xoay quanh thỏa thuận thương mại và đó vẫn là thứ sẽ tác động tiêu cực đến thị trường trong vài tháng tới”, Craig cho biết Bloomberg TV.

Bắt đáy?

Đối với một số chuyên gia, đà giảm mạnh của thị trường cổ phiếu vào đầu tuần này mang lại cơ hội mua tuyệt vời.

Việc tạo áp lực áp thuế lên Nam Mỹ và châu Âu có khả năng là một nỗ lực để củng cố thêm hình ảnh “ông thuế quan” của Tổng thống Trump trước khi tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Eli Lee, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Bank of Singapore, cho biết.

“Khi nền kinh tế đang trong tình huống vô cùng nhạy cảm, nếu hàng rào thuế quan được triển khai, nó có thể gia tăng đáng kể rủi ro xảy ra suy thoái – và Nhà Trắng không muốn xảy ra suy thoái trước thềm cuộc bầu cử năm 2020”, ông Lee cho biết.

Biến động điên cuồng?

Chris Weston, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone Group, cho biết trong một báo cáo gửi tới khách hàng rằng thị trường có thể biến động điên cuồng.

“Chúng ta có thể đối mặt với một ngày biến động điên cuồng”, ông nói. S&P 500 có khả năng giảm 2%, trong đó các đồng tiền bao gồm Nhân dân tệ, AUD và Won có khả năng dịch chuyển, ông nói.

Sau đó, thị trường có thể phục hồi trở lại, nhất là nếu Mỹ-Trung nhất trí đàm phán trong năm 2020, ông nói.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI