TIG tăng 150% trong 3 tháng và ‘nốt trầm’ của một quỹ đầu tư trăm triệu USD

TIG tăng 150% trong 3 tháng và ‘nốt trầm’ của một quỹ đầu tư trăm triệu USD

Sự kiên nhẫn liên tục bị thử thách bởi kế hoạch kinh doanh lỡ hẹn và các dự án trì trệ ngày này qua tháng nọ, có lẽ không ít cổ đông của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HOSE: TIG) đã bán ra cổ phiếu TIG trước khi nó bước vào giai đoạn bật tăng mạnh mẽ. Một quỹ đầu tư quản lý hàng trăm triệu USD cũng nằm trong số đó.

Những ngày cuối năm 2019, giữa lúc thị trường trải qua cú sụt khiến chỉ số rơi sâu khỏi mốc ngàn điểm thì một cổ phiếu vẫn trên đà lầm lũi đi lên. Từ giữa tháng 9 đến nay, TIG tăng một mạch 150% và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại.

Trước thành tích đó, nhà đầu tư chưa nắm cổ phiếu này tặc lưỡi đã đành, nhưng ngay cả một cổ đông vốn đã sở hữu TIG từ lâu có lẽ cũng đầy nuối tiếc. Đó chính là PYN Elite Fund, quỹ ngoại đang sở hữu hàng trăm triệu USD cổ phiếu Việt Nam.

Đu đỉnh thoát đáy

PYN Elite có phương pháp đầu tư theo phong cách top-down, tức là trước nhất họ lựa chọn thị trường thuận lợi để đầu tư rồi sau đó mới đến công đoạn sàng lọc cổ phiếu để rót vốn. Giai đoạn 1998 - 2012, quỹ này gặt hái thành công lớn tại Thái Lan.

Năm 2013, PYN Elite từng đứng đầu toàn cầu về khả năng sinh lời xét trong chu kỳ 10 năm với tỷ suất bình quân 25.37% mỗi năm, theo một so sánh giữa 12,990 quỹ đầu tư được thực hiện bởi hãng nghiên cứu Morningstar. PYN Elite sau đó muốn thử sức với thị trường Trung Quốc, nhưng cuối cùng lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo.

PYN Elite bắt đầu mua mạnh cổ phiếu TIG vào khoảng tháng 9-11/2015, ngay giữa thời điểm mà thị giá cổ phiếu này đang được giao dịch ở các mức cao. Quỹ có lúc sở hữu đến hơn 17% cổ phần lưu hành của TIG.

Không may, vùng giá mà PYN Elite ra tay gom cổ phiếu cũng là vùng đỉnh của TIG. Bước sang những tháng đầu năm 2016 là chuỗi ngày đáng quên khi cổ phiếu này sụt mất 30% thị giá, nhưng hóa ra đây chỉ là bước dạo đầu khi TIG tiếp tục chuỗi thời gian dò đáy suốt những năm sau đó.

Im hơi lặng tiếng trong gần 3 năm, tính đến đầu tháng 9/2018, PYN Elite bắt đầu bán ra cổ phiếu TIG khi thị giá đã giảm gần 70% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2015. Nguồn cung lớn từ lượng cổ phiếu mà PYN sở hữu có lẽ còn làm trầm trọng thêm đà giảm của TIG trong khoảng thời gian này. Tỷ lệ sở hữu của PYN tại TIG giảm xuống 4.6% sau các giao dịch. TIG thì vẫn tiếp đà suy giảm và tạo đáy 1,850 đồng cho mỗi cổ phần vào cuối tháng 1/2019.

Kể từ đó, cổ phiếu này bắt đầu chuỗi ngày thăng hoa trở lại. 2,000 đồng, 3,000 đồng… rồi 6,000 đồng, TIG liên tục đi lên các mức cao. Và mặc dù chứng kiến lượng cổ phần còn lại (4.6%) tại TIG tăng giá gấp nhiều lần, tình cảnh “đu đỉnh thoát đáy” của PYN thật không biết nên cười hay mếu, khi mà bán xong thì thậm chí cổ phiếu còn tăng mạnh trở lại.

"Nốt trầm" của PYN Elite
Thương vụ mua đỉnh bán đáy của quỹ ngoại đang quản lý hàng trăm triệu USD

Đối với TIG, đây là một khoản đầu tư nhiều khả năng được PYN Elite lựa chọn theo phương thức sàng lọc định lượng, và được quỹ này nhóm chung vào “rổ cổ phiếu Việt Nam” (PYN Elite Vietnam Basket). Theo thông tin từ PYN Elite, rổ cổ phiếu này có lúc chiếm gần 30% danh mục của quỹ vào năm 2014, gồm khoảng 60 cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với giá trị từng khoản đầu tư trải rộng từ vài trăm ngàn cho đến 5 triệu USD.

Việc PYN bán ra cổ phiếu TIG khi đang trên đà lao dốc cũng cần phải làm rõ thêm. PYN vốn từng cho thấy họ không phải là quỹ đầu tư chùn tay khi cổ phiếu suy giảm, nhưng với điều kiện những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp vẫn duy trì tốt.

Chẳng hạn như vào năm 2008, thị trường tài chính toàn cầu bị đè nặng bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ, giá dầu tăng lên mức kỷ lục và bất ổn chính trị tại Thái Lan, khiến thị trường chứng khoán nước này giảm đến 45%. Khi ấy, nhà sáng lập PYN Elite - ông Petri Deryng từng đi vay 1 triệu USD góp thêm vào quỹ vì nhận thấy rằng “cổ phiếu đã quá rẻ”.

Còn về TIG, đây là doanh nghiệp có thâm niên “thất hứa” kế hoạch kinh doanh. PYN Elite có lẽ đã mất kiên nhẫn với khoản đầu tư này, đặt giữa bối cảnh cổ phiếu TIG cũng ngày càng suy giảm trong năm 2018.

Một doanh nghiệp “họ hứa”

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, TIG đạt doanh thu thuần 203 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 68 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 52% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng kết quả này cũng đồng nghĩa TIG vẫn còn cách xa kế hoạch cả năm, với chỉ tiêu doanh thu 450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 135 tỷ đồng, trong khi chỉ còn duy nhất một quý kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế là việc TIG lỡ hẹn kế hoạch kinh doanh trong năm nay, nếu xảy ra, cũng không phải điều hiếm. Kể từ khi trở thành doanh nghiệp niêm yết (tháng 10/2010) đến nay, duy chỉ có hai năm 2013 - 2014 là TIG hoàn thành kế hoạch được cổ đông giao phó.

Thậm chí, chất lượng những đồng lợi nhuận mà TIG ghi nhận tại báo cáo kết quả kinh doanh cũng đáng để đặt dấu chấm hỏi, bởi nguồn doanh thu tài chính luôn đóng góp lớn trong lời lãi mỗi năm.

Doanh nghiệp "họ hứa"
5 năm gần nhất chưa một lần hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Việc TIG lỡ hẹn cổ đông từ năm này sang năm khác âu cũng là điều dễ hiểu khi các dự án của doanh nghiệp cũng trì trệ trong ngần ấy thời gian. Có dự án chậm ngót nghét gần chục năm và cũng có những dự án hẹn mãi rồi cũng không làm nữa?!

Trở lại hiện tại, khi mà các dự án bất động sản vẫn còn dang dở, TIG lại tiếp tục công bố những kế hoạch mở rộng sang những lĩnh vực chẳng mấy liên quan, từ kinh doanh sản phẩm điện tử gia dụng và thiết bị nhà bếp, cho đến cả việc đầu tư các dự án điện gió.

Thời gian dự kiến thực hiện dự án BĐS theo kế hoạch mỗi năm của TIG
Nguồn: Người viết tổng hợp

Thừa Vân

FILI