Sau tái cấu trúc, GTN sẽ có hơn 2,000 tỷ đồng tiền mặt

Sau tái cấu trúc, GTN sẽ có hơn 2,000 tỷ đồng tiền mặt

ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 16/12 của CTCP GTNFoods (HOSE: GTN) đã thông qua các tờ trình liên quan tới việc tái cấu trúc Công ty và bổ sung ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, phương án chào mua 75% vốn của GTN mà không cần công khai của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) cũng đã được thông qua.

GTN sẽ có hơn 2,000 tỷ đồng tiền mặt sau tái cấu trúc

Theo tờ trình trình cổ đông, GTN sẽ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 3 công ty con là CTCP Nông nghiệp GTN (GTN FARM, sở hữu 99.99% vốn), CTCP Đầu tư và Khai thác tài sản GTNFOODS (GTN FOODS Tài sản, sở hữu 99.95% vốn) và Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNFOODS (GTNFOODS Consumers, sở hữu 100% vốn).

Tổng mức giá chuyển nhượng do GTN đưa ra là hơn 734.2 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ chuyển nhượng GTNFARM với mức giá gần 490.5 tỷ đồng, GTNFOODS tài sản với mức giá 235.5 tỷ đồng và GTNFOODS Consumer với mức giá 8 tỷ đồng.

Liên quan tới GTNFARM trong ngày 27/11, HĐQT GTN đã nhất trí việc nhận chuyển nhượng 20% tổng vốn điều lệ của Tổng Công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) với giá nhận chuyển nhượng bằng giá nhận góp vốn vào GTNFARM. Sau khi nhận chuyển nhượng, GTNFARM sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 667 tỷ đồng.

Tại đại hội, bà Cao Thị Hồng - Giám đốc chiến lược của Công ty cho biết GTNVNM đã có nhiều buổi làm việc song phương để VNM chia sẻ chiến lược đầu tư vào GTN. Đồng thời, GTN chia sẻ để VNM hiểu về tình hình tài chính, kinh doanh, nhân sự của GTN. Theo đó, ban lãnh đạo GTN tiếp thu các chia sẻ của VNM và nhận thấy việc tái cấu trúc thoái vốn theo như tờ trình sẽ giúp đưa lại lợi ích cho GTN.

Cụ thể hơn, Công ty sẽ có cơ cấu đơn giản và có nguồn tiền mặt lớn (khoảng 2,000 tỷ đồng) để có thể sẵn sàng đầu tư vào các dự án có hiệu quả trong tương lai.

Bà Hồng để ngỏ câu hỏi của cổ đông về việc Công ty sẽ hoạt động theo mô hình holding hay chuyển sang doanh nghiệp sản xuất sau khi tái cấu trúc.

Liên quan tới việc chào mua công khai GTN của VNM, có cổ đông nêu thắc mắc liệu Công ty có nắm tiến độ VNM mua để sở hữu đến 75% vốn điều lệ.

Hồi đáp thắc mắc này, bà Hồng cho biết, (tại thời điểm tổ chức đại hội) GTN mới nhận được yêu cầu miễn chào mua công khai của VNM. GTN là công ty niêm yết nên việc mua bán giữa các cổ đông sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của các cổ đông, trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.

Bắt đầu lấn sang sân chơi khác

ĐHĐCĐ của GTN cũng đã thông qua việc bổ sung ngành nghề là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng và buôn bán chuyên doanh các loại chè, hàng công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Đối với việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bà Hồng cho biết những ngành nghề được bổ sung là nhưng ngành nghề đang có tiềm năng tăng trưởng tốt. Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10.9% /năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.

Ngoài ra GTN và các cổ đông lớn như VNM đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản xuất, kênh phân phối nên việc bổ dung các ngành nghề kinh doanh mới là phù hợp.

Trên thị trường, sáng nay ngày 18/12/2019, GTN ghi nhận giao dịch thỏa thuận khủng gần 79 triệu cp tại mức giá gần 22,800 đồng/cp, cao hơn 8.5% so với mức giá mở cửa (21,000 đồng/cp), tương ứng với giá trị thỏa thuận gần 1,800 tỷ đồng. Kết phiên, giá cổ phiếu GTN dừng ở 22,550 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu GTN trong phiên 18/12/2019

Yến Chi

FILI