PYN Elite Fund 'xả mạnh' MWG trong tháng 11, nắm lượng tiền kỷ lục trong 2 năm trở lại

PYN Elite Fund 'xả mạnh' MWG trong tháng 11, nắm lượng tiền kỷ lục trong 2 năm trở lại

Động thái bán mạnh MWG của PYN có vẻ không chỉ là bước đi tìm kiếm lợi thế từ tập tính rút ròng vốn tại thị trường chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân Việt Nam trong những ngày cận Tết.

* Vietnam Holding: Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa phản ánh vào thị trường chứng khoán!

* Quỹ chuyên 'đánh game' nâng hạng Tundra: Vĩ mô Việt Nam là bức tranh lẫn lộn 

Thị trường chứng khoán trải qua một tháng 11 đầy cam go, VN-Index giảm 2.8% khi bị đè nặng bởi cú sụt của những cổ phiếu bluechip, chẳng hạn như SAB giảm 13.2%, VNM giảm 6.5%, VIC giảm 2.8%. Thành tích của PYN Elite tốt hơn so với chỉ số chung, khi giảm 2%, chủ yếu vì sự sụt giảm của các cổ phiếu MWG (giảm 12.5%), HDB (giảm 10%) và VEA (giảm 4.5%).

Cơ cấu danh mục PYN Elite
vào cuối tháng 11/2019
Nguồn: PYN Elite Fund

Một diễn biến đáng chú ý, PYN đã bán ròng đáng kể lượng cổ phiếu Việt Nam ngay trong tháng 11 vừa qua. Theo đó, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục quỹ này vào cuối tháng 11 lên đến 16%, trong khi đầu tháng chỉ ở mức 9%; điều này tương đương với lượng tiền mặt mà PYN nắm giữ tăng từ xấp xỉ 37.1 triệu EUR lên đến 64.8 triệu EUR (chiếu theo lượng tài sản mà quỹ quản lý từng thời điểm).

Tình huống tương tự cũng diễn ra vào năm 2018 khi PYN rút tiền mạnh trong giai đoạn cuối năm, có lẽ để tìm kiếm lợi thế từ tập tính rút ròng vốn tại thị trường chứng khoán mùa cận Tết của nhà đầu tư cá nhân Việt Nam, rồi sau đó đã giải ngân lại vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, điểm khác biệt là lần này PYN bán mạnh duy nhất một cổ phiếu MWG.

Tỷ trọng tiền mặt trong cơ cấu danh mục PYN Elite
Nguồn: PYN Elite Fund, Vietstock tổng hợp

Cổ phiếu bị PYN bán ròng mạnh trong tháng 11 vừa qua chính là MWG. Theo đó, MWG từ việc là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ ngoại này vào đầu tháng (chiếm gần 17% danh mục) thì đến cuối tháng chỉ còn xếp thứ 4 (7.92% danh mục). Lượng cổ phiếu MWG mà PYN bán ròng trong tháng 11 xấp xỉ 977 tỷ đồng (tính theo tỷ giá 1 EUR đổi 25,800 đồng, chưa tính đến yếu tố giảm giá của MWG trong tháng vừa qua).

Đây là động thái gây bất ngờ của PYN khi MWG là một trong những cái tên thường xuyên được quỹ này "khen" trong thời gian gần đây. Lượng cổ phiếu MWG có vẻ đã được PYN chuyển nhượng lại cho những nhà đầu tư nước ngoài (và nhờ đó quỹ này có thể hưởng mức giá cao hơn đáng kể giá thị trường) vì "room" ngoại của MWG vẫn kín trong suốt thời gian qua.

6 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite vào cuối tháng 11/2019
6 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite vào đầu tháng 11/2019
Nguồn: PYN Elite Fund

Vào tháng 11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức công bố danh sách cổ phiếu thành phần của các chỉ số mới là VN DIAMOND, tập trung vào các cổ phiếu kín “room” ngoại, và hai chỉ số bao gồm các cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính là VNFIN LEAD và VNFINSELECT.

PYN kỳ vọng rằng việc các quỹ ETF được thành lập dựa theo những chỉ số này sẽ mở ra cánh cửa mới cho nhà đầu tư nước ngoài. “Điều này có khả năng gia tăng giá trị thị trường cho cổ phiếu và giảm đi những mức giá sang tay ngoài khuôn khổ thị trường tập trung (chỉ những mức giá cao hơn dành cho những cổ phiếu kín “room” ngoại mà nhà đầu tư nước ngoài phải trả thêm để mua cổ phiếu từ nhau)”, PYN nhận định.

Trong tháng 11, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi. PYN cho biết, Bộ luật này sẽ tái xác định vai trò của hai Sở GDCK tại Việt Nam là TP HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX). Cụ thể, HOSE sẽ là đầu tàu về giao dịch cổ phiếu, trong khi trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được giao dịch tại HNX. Các chứng chỉ lưu ký (Depository Recceipts - DR) được xác định như là một loại chứng khoán mới.

PYN cũng dành sự quan tâm đến Luật Doanh nghiệp sửa đổi, kỳ vọng rằng Bộ luật này sẽ mở cửa thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngài. Luật cũng yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp niêm yết và được mong đợi góp phần minh bạch hơn nữa thị trường vốn nội địa. Tổng thể, quỹ ngoại này bày tỏ quan điểm tích cực đối với quá trình hiện đại hóa thị trường tài chính Việt Nam.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đã chạm mốc 31.8 tỉ USD (bao gồm các các dự án mới, bổ sung và các thương vụ M&A) tăng 3.1% so với cùng kỳ năm trước. PYN cho biết các hoạt động M&A đóng góp đến 35.4% tổng lượng vốn FDI đăng ký, một con số đáng chú ý khi xét đến tỷ lệ này trong các năm 2018 và 2017 chỉ ở mức lần lượt là 27.8% và 17%.

Nói thêm về xu hướng M&A trong năm nay, PYN đề cập đến những thương vụ lớn liên quan đến cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân, như: KEB Hana Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần tại Ngân hàng BIDV (HOSE: BID); SK Group rót 1 tỉ USD vào Tập đoàn Vingroup. Quỹ này đưa ra quan điểm rằng đây là một xu hướng tích cực đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận được những kiến thức và cơ hội kinh doanh mà các đối tác nước ngoài có thể mang lại.

Thừa Vân

FILI