Những tỷ phú cho đi nhiều nhất trong năm 2019

Những tỷ phú cho đi nhiều nhất trong năm 2019

Trong một năm mọi người tranh luận dữ dội về việc liệu các tỷ phú có quyền tồn tại hay không, một số người giàu nhất thế giới đã tiếp tục hiến tặng tài sản cho các hoạt động từ thiện.

Có 2 tỷ phú làm từ thiện hơn 1 tỷ  USD mỗi người, trong khi ít nhất một chục thành viên khác của Câu lạc bộ ba dấu phẩy (Three Comma Club) cam kết cho đi hoặc tặng những món quà trị giá hàng trăm triệu USD. Dưới đây là những đóng góp từ thiện và cam kết lớn nhất của các tỷ phú thế giới trong năm 2019:

Azim Premji

1. Azim Premji, ông “trùm” công nghệ Ấn Độ, là người hiến tặng nhiều nhất trong năm qua. Ông đã trao một cổ phần trị giá 7.6 tỷ USD ở công ty gia công CNTT Wipro Limited cho tổ chức từ thiện do chính ông thành lập: Quỹ giáo dục Azim Premji. Premji tiếp quản công việc kinh doanh dầu ăn của cha vào năm 1966 và cuối cùng đưa nó trở thành một doanh nghiệp phần mềm phát triển nhanh và mở rộng doanh thu lên tới 8.5 tỷ USD trong năm 2019.

Warren Buffett

2. Mỗi năm, “nhà tiên tri xứ Omaha”, Warren Buffett, lại cho đi một lượng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD tại Berkshire Hathaway, công ty mà ông điều hành và biến ông thành người giàu thứ tư thế giới. Vào tháng 07/2019, ông đã trao đi món quà lớn nhất từ trước đến nay của ông – lượng cổ phiếu trị giá 3.6 tỷ USD - cho Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Susan Thompson Buffett (được đặt theo tên người vợ đầu của ông) và các quỹ do ba người con của ông thành lập: Quỹ Sherwood, Quỹ Howard G. Buffett và Quỹ NoVo. Forbes ước tính đến nay, Buffett đã tặng tổng cộng 38 tỷ USD.

Stewart và Lynda Resnick

3. Vào tháng 9 vừa qua, hai tỷ phú trái cây và các loại hạt của California là Stewart Lynda Resnick đã cam kết tặng 750 triệu USD cho Viện Công nghệ California (CalTech), để tài trợ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Đó là món quà lớn nhất trong lịch sử trường đại học này. CalTech có kế hoạch xây dựng một tòa nhà mới rộng 75.000 foot vuông, nơi sẽ được đặt tên là Trung tâm tài nguyên bền vững Resnick. Gia đình Resnick có tài sản ròng khoảng 9 tỷ USD, hiện sở hữu Wonderful - công ty sản xuất hạnh nhân và quả hồ trăn lớn nhất thế giới. Họ cũng sở hữu nhiều thương hiệu tên tuổi khác như POM Wonderful, Fiji Water và cam quýt Halo.

T. Denny Sanford

4. T. Denny Sanford, một tỷ phú thẻ tín dụng có tài sản ước tính 3.4 tỷ USD, đã tặng 350 triệu USD cho Đại học Quốc gia (National University) ở San Diego, và nơi đây sẽ được đổi tên thành Đại học Quốc gia Sanford vào tháng 07/2020. Trước đây, Sanford đã tặng 150 triệu USD cho trường đại học này. Được thành lập vào năm 1971, Đại học Quốc gia tư nhân, phi lợi nhuận này chủ yếu phục vụ cho người trưởng thành, cung cấp giáo dục chuyên biệt cho sinh viên đang làm việc để nuôi gia đình, hoặc các cựu chiến binh. Món quà mới nhất từ ​​Sanford sẽ được trao trong một khoảng thời gian ngắn, trường đại học này cho biết. Trong suốt cuộc đời mình, Sanford đã cho đi gần 2 tỷ USD, phần lớn là cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Phillip “Terry” Ragon và Susan Ragon

5. Phillip “Terry” Ragon và Susan Ragon, đã cam kết tặng 200 triệu USD cho bệnh viện đa khoa Massachusetts để tài trợ cho một trung tâm nghiên cứu vắc-xin. Sau chuyến đi đến Nam Phi năm 2009, cặp vợ chồng này đã được chứng kiến ​​sự tàn phá của AIDS và thành lập Viện Ragon Massachusetts General, Viện Công nghệ Massachusetts và Harvard để theo đuổi việc tìm ra vắc-xin HIV. Ragon đã tạo dựng được khối tài sản trị giá 2.6 tỷ USD thông qua công ty phần mềm InterSystems, chuyên giúp các bệnh viện và ngân hàng phân tích dữ liệu lớn.

Stephen Schwarzman

6. Đồng sáng lập của công ty cổ phần tư nhân Blackstone, Stephen Schwarzman, đã tặng 188 triệu USD cho Đại học Oxford. Món quà của ông dành cho trường đại học Anh quốc này là khoản đóng góp lớn nhất mà họ nhận được từ thời Phục hưng đến nay. Số tiền này sẽ được tài trợ cho trung tâm Schwarzman mới. Đây là nơi có các ngành nhân văn, triết học và Viện Đạo đức mới của Oxford. Trung tâm này sẽ bao gồm một phòng hòa nhạc 500 chỗ và một khán phòng 250 chỗ. Với tài sản 19.1 tỷ USD, Schwarzman đã cam kết tặng 350 triệu USD để xây dựng một trường đại học điện toán mới tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào tháng 10/2018.

Jon M. Huntsman

7. Vào tháng 11, gia đình của cố tỷ phú hóa chất Jon M. Huntsman đã cam kết dành 150 triệu USD tài trợ cho các nghiên cứu và dịch vụ sức khỏe tâm thần cho sinh viên Đại học Utah và cư dân vùng nông thôn Utah. Theo một nghiên cứu, Utah xếp thứ 51 về các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần, sau Washington, D.C. Cam kết này sẽ tạo ra Viện sức khỏe tâm thần Huntsman và sẽ được trao tiền trong 15 năm.

Hansjoerg Wyss

8. Tỷ phú thiết bị y tế người Thụy Sĩ, Hansjoerg Wyss, đã tặng 131 triệu USD cho Harvard vào tháng 6. Món quà của ông sẽ góp phần hỗ trợ Viện Wyss, nơi được tạo ra vào năm 2009 sau khi ông tặng 125 triệu USD. Vào tháng 10/2018, Wyss tuyên bố trên tờ New York Times rằng ông dự định quyên góp 1 tỷ USD trong một thập niên để tăng tốc việc bảo tồn đất và đại dương. Wyss thành lập công ty sản xuất thiết bị y tế Synthes sau khi theo học tại Harvard Business School vào năm 1963 và bán nó cho Johnson & Johnson với giá 20.2 tỷ USD, gồm tiền mặt và cổ phiếu, vào năm 2012. Wyss hiện có tài sản khoảng 6.3 tỷ USD.

Kenneth Griffin

9. Người đàn ông giàu nhất Chicago, Kenneth Griffin, sáng lập viên quỹ đầu cơ Citadel, đã tặng 125 triệu USD cho Bảo tàng khoa học và công nghiệp ở Chicago. Đây là món quà lớn nhất mà bảo tàng này nhận được kể từ khi mở cửa vào năm 1933. Nơi đây sẽ được đổi tên thành Bảo tàng khoa học và công nghiệp Kenneth C. Griffin. Tài sản của Griffin ước tính khoảng 13 tỷ USD.

Sandy và Joan Weill

10. Bộ đôi tỷ phú Sandy và Joan Weill đã công bố cam kết trị giá 109 triệu USD vào tháng 11 để khởi động một kế hoạch ​​nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, Đại học California, Berkeley và Đại học Washington để tìm ra phương pháp điều trị các bệnh về não như Alzheimer’s. Sandy Weill, người có tài sản khoảng 1 tỷ USD, đã đồng sáng lập một công ty môi giới và bán nó cho American Express với giá gần 1 tỷ USD vào năm 1981. Ông là “đạo diễn” thương vụ sáp nhập giữa Travelers và Citibank, với kết quả là tạo ra Citigroup, vào cuối những năm 1990. Ông cũng từng là giám đốc điều hành của Citigroup đến năm 2003 và giữ chức chủ tịch đến năm 2006.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FILI