Đông Nam Á có thể cần 'kế hoạch B' để đối phó với lạm phát thấp

Đông Nam Á có thể cần 'kế hoạch B' để đối phó với lạm phát thấp

Đông Nam Á sắp có thêm 1 năm lạm phát thấp, từ đó dẫn đến những lựa chọn khó khăn cho các ngân hàng trung ương trong khu vực.

Trong trường hợp khả dĩ nhất, S&P Global Ratings dự báo lạm phát vẫn còn dưới mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong năm 2020, theo Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P tại Singapore. Để đạt được mục tiêu chính sách, các nhà hoạch định chính sách có thể sớm buộc phải nghĩ tới việc sử dụng các công cụ khác thay vì lãi suất.

“Câu chuyện sẽ nhanh chóng chuyển sang ‘kế hoạch B’ – vốn có thể là kết hợp giữa định hướng thị trường tiền tệ (forward guidance), lãi suất âm và nới lỏng định lượng, thậm chí ở một thị trường mới nổi như Thái Lan”, ông viết trong một email. “Đây có thể là một câu chuyện lớn của năm 2020”.

Các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế chính tại Đông Nam Á – Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam – đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019, gỡ bỏ bớt một phần của sự thắt chặt chính sách trong năm 2018, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi. Một số ngân hàng trung ương có cơ hội để nới lỏng chính sách thêm trong năm 2020, nhưng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cân bằng trước rủi ro tiền tệ và rủi ro tác động đến sự ổn định tài chính.

Nguồn: Bloomberg 

Không gian triển khai chính sách đang thu hẹp nhanh chóng nhất ở Thái Lan. Sau khi giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 1.25% trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) gặp khó khăn để đẩy lạm phát trở về ngưỡng mục tiêu 1-4% giữa lúc đồng Bath tăng giá mạnh.

Các cơ quan chức trách Thái Lan gặp khó khăn trong việc kìm hãm đà tăng giá của đồng Bath – vốn đã tăng hơn 8% so với đồng USD trong năm qua, gây tổn thương đến nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Thái Lan. Bên cạnh các đợt giảm lãi suất, BoT đã thực hiện các biện pháp để chống lại dòng vốn vào ngắn hạn và nới lỏng quy định để châm ngòi cho dòng vốn chảy ra nước ngoài.

BoT được cho là sẽ thu hẹp phạm vi lạm phát mục tiêu, có khả năng là 1-3%, theo Standard Chartered Plc.

Ở Indonesia, các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm mục tiêu lạm phát xuống 2-4% trong năm 2020, từ mức 2.5-4.5% trong năm nay. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, Destry Damayanti, cho biết nền kinh tế đang bước tình mức bình thường mới về lạm phát.

Tăng trưởng dưới xu hướng sẽ ngăn chặn nền kinh tế sử dụng công suất dư thừa, qua đó áp lực giá ảm đạm, Roache cho biết.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI