Đâu là những yếu tố chi phối chứng khoán Mỹ trong năm 2020?

Đâu là những yếu tố chi phối chứng khoán Mỹ trong năm 2020?

Nỗi lo về thương mại đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động như “tàu lượn siêu tốc” trong năm nay, đồng thời để lại một vài vết nứt trong nền kinh tế toàn cầu. Thế mà chứng khoán Mỹ thì vẫn trên đà lập kỷ lục mới.

Trong năm 2020, phần lớn sự biến động trên thị trường được dự báo vẫn sẽ như thế - nhưng thị trường chứng khoán Mỹ có thể còn leo lên đỉnh cao hơn nữa.

Sau đây là những vấn đề mà nhà đầu tư nên để tâm đến khi sắp bước sang năm 2020:

Cuộc chiến thương mại

Chỉ gần 1 tháng nữa là năm 2019 sẽ khép lại và nhà đầu tư đang tự hỏi nên tập trung vào điều gì trong năm mới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn còn kéo dài và là chủ đề chính của năm 2020. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng giữa hai bên và hứa hẹn kéo dài đến năm sau.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn nói rằng Mỹ tốt hơn nên chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020 rồi mới tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, mặc dù hai bên đã nhất trí về thỏa thuận giai đoạn 1 hồi tháng 10/2019. Tuy vậy, cho đến nay thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa thành hình.

Nền kinh tế giảm tốc

Một chủ đề khác cũng khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp đau đầu trong năm 2020 là đà giảm tốc của nền kinh tế.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, mặc dù nỗi lo về suy thoái đã thuyên giảm phần nào. Nền kinh tế Mỹ vẫn chưa bước vào phạm vi suy thoái và thị trường lao động vẫn còn rất mạnh sau báo cáo việc làm tháng 11/2019 tốt hơn dự báo.

Sau đà tăng trưởng kinh tế mạnh hơn trung bình vào thời điểm đầu năm 2019, tăng trưởng GDP bắt đầu giảm xuống mức quanh 2%.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống mức dưới 2% vào năm 2020, theo báo cáo tháng 11/2019 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis.

Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 3 lần trong năm 2019 để thúc đẩy hoạt động kinh tế nước nhà và cần phải mất một khoảng thời gian trước khi các chính sách nới lỏng bắt đầu giúp nền kinh tế cải thiện. Và Fed đã nói rõ rằng họ đang trong chế độ chờ đợi và quan sát diễn biến thị trường.

Thế nhưng, đà giảm tốc kéo dài hoặc ngày càng tệ đi có thể buộc Fed phải hành động một lần nữa vào năm 2020.

Việc hạ lãi suất là một phần của nỗ lực thúc đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm trong năm 2019. Cú huých từ đợt cắt giảm thuế năm 2017 – do Tổng thống Trump đề xuất – cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường, nhất là trong nửa đầu năm 2019. Đó là lý do giải thích tại sao S&P 500 vẫn tăng hơn 25% và sắp ghi nhận năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, rối rắm chính trị ở Washington trỗi dậy (bao gồm cả vụ luận tội Tổng thongod Trump) và nền kinh tế giảm tốc.

“Kết hợp của một Fed mang hơi hướng bồ câu và ảnh hưởng tích cực từ chính sách tài khóa đã đẩy Dow Jones lên ngưỡng 28,000 điểm. Đúng là nền kinh tế diễn biến không quá tuyệt, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy nhiều dấu hiệu thể hiện hoạt động sản xuất trên toàn cầu có thể đang tạo đáy.

“Đây chỉ là kinh tế giảm tốc chứ không phải suy thoái như nhiều chuyên gia vẫn lo sợ tại thời điểm đầu năm 2019”, Ryan Detrick, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại LPL Financial, cho hay.

Sản xuất

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động nặng nề đến hoạt động thương mại và sản xuất trên toàn cầu trong năm 2019. Khi cuộc chiến vẫn còn chưa có dấu hiệu chấm dứt, căng thẳng này có thể tiếp tục hoặc ít nhất là kìm hãm đà phục hồi về kinh tế.

Hoạt động sản xuất của Mỹ đã thu hẹp trong 4 tháng qua. May là nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào hoạt động sản xuất và hầu hết bị chi phối bởi lượng tiêu thụ, không giống như nền kinh tế của Đức.

Xét trên toàn cầu, hoạt động sản xuất vẫn đang thu hẹp phần lớn là do cuộc chiến thương mại kéo dài, mặc dù chỉ số PMI sản xuất tháng 11/2019 vẫn cao hơn so với các tháng trước. Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của JPMorgan (JPM) đạt 49.8 trong tháng trước, dưới ngưỡng 50, tức đang trong phạm vi thu hẹp.

Kinh tế toàn cầu suy thoái

Một số thành phần trên thị trường nghĩ rằng nền kinh tế thế giới có thể chìm vào suy thoái trong năm 2020, có nghĩa là tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm xuống dưới xu hướng dài hạn ở quanh mức 3%.

Chứng khoán Mỹ vẫn hấp dẫn

Khi Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế đối thủ khác, chứng khoán Mỹ có thể trông hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, năm 2020 sẽ vắng bóng một thành phần quan trọng góp phần vào đà tăng của năm 2019: Tác động tích cực từ đợt cắt giảm thuế của ông Trump sẽ phai nhạt phần lớn. Thay vào đó, chúng sẽ bị thay thế bằng sự không chắc chắn xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Vương Đông (Theo CNN)

FILI