Bloomberg: Cổ phiếu Việt Nam ngày càng rẻ, nhưng chẳng mấy ai giao dịch

Bloomberg: Cổ phiếu Việt Nam ngày càng rẻ, nhưng chẳng mấy ai giao dịch

Đà rớt mạnh gần đây đã kéo giảm định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam xuống dưới mức trung bình 5 năm. Dù rằng đây là mức rẻ nhất trong 1 năm, nhưng giao dịch trong thời điểm này không phải chuyện dễ dàng.

Đối với bất kỳ ai muốn tận dụng đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, hãy chú ý một vấn đề: Thanh khoản đang ở mức thấp. Điều này là do các vấn đề như giới hạn sở hữu nước ngoài, cổ phiếu đang tự do lưu hành thấp và sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước khiến nhà đầu tư nước ngoài khó lòng nhảy vào giao dịch.

Tin tốt là Việt Nam đang thực hiện một vài biện pháp để giải quyết các vấn đề kể trên. Cụ thể, Việt Nam đã nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với một số ngành, đồng thời đẩy nhanh quá trình giảm bớt cổ phần Nhà nước tại các công ty. Ngoài ra, Việt Nam đã lập thị trường sản phẩm phái sinh trong năm 2017 và tung ra thêm sản phẩm trong năm nay.

Dù vậy, khối lượng giao dịch ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác, ngay cả với những cổ phiếu vốn hóa lớn.

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài vui mừng vì cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam nhưng điều đó có thể khiến hoạt động giao dịch trở nên tồi tệ hơn. Thanh khoản thắt chặt của một số cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu một phần là do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn, Tim Love, Giám đốc phụ trách cổ phiếu thị trường mới nổi tại GAM Investments, cho hay. Chi phí thực hiện giao dịch cao cùng với nỗi lo không thể tiếp cận các đợt nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài khiến khối ngoại nản lòng, ông nhận định.

Trước đây, các chuyên gia kỳ vọng quá trình cổ phần hóa sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường và giờ thì hy vọng này cũng đang phai nhạt dần. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh tiến trình cải cách quy định đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng quá trình cổ phần hóa đã và đang diễn ra chậm lại. Nhà đầu tư đang lo ngại họ sẽ không đạt mục tiêu thoái vốn 60 ngàn tỷ đồng (tương đương 2.6 tỷ USD) trong giai đoạn 2017-2020.

Nguồn tiền từ bán cổ phiếu tại các doanh nghiệp Nhà nước đạt 147 triệu USD trong 11 tháng qua, tương đương 32% giá trị trong năm 2018, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy. Điều này là do các doanh nghiệp lớn không bán cổ phần, theo Bộ Tài chính Việt Nam.

“Mọi chuyện chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nếu Chính phủ dần dần giảm bớt kiểm soát”, Felix Lam, Quản lý cấp cao phụ trách bộ phận cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương của BNP Paribas Asset Management tại Hồng Kông, cho biết. Ông cũng không nắm giữ cổ phiếu Việt Nam vì thanh khoản đang quá thấp.

Đối với những nhà đầu tư đã đặt cược niềm tin vào Việt Nam, họ cần phải hiểu rõ hơn về chuyện Việt Nam đang làm gì để tăng thanh khoản và những biện pháp khác liên quan đến thị trường đang được xem xét, ông Lam cho biết.

“Khi có tầm nhìn, bạn có khả năng cao hơn để đánh giá lại cổ phiếu và tận hưởng dòng vốn nước ngoài”, ông nói.

Đây là một thông tin tuyệt vời đối với một thị trường hiện đang nằm trong số những thị trường bị quá bán nhất trên thế giới.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót hơn 230 triệu USD vào cổ phiếu Việt Nam kể từ tháng 1/2019, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy. Dù con số này nhỏ hơn nhiều so với 2 năm về trước, nhưng còn đỡ hơn là bị rút vốn như thị trường Malaysia và Thái Lan.

Bất chấp tất cả những thông tin trên, nhóm đầu tư thị trường mới nổi tại GAM Investments đang đặt tỷ trọng cao vào cổ phiếu Việt Nam. Họ nhắm tới những cổ phiếu có thanh khoản cao và nắm giữ chúng trong thời gian dài, nhất là các cổ phiếu có dòng tiền tự do dương, ông Tim Love cho hay.

"Việt Nam có vấn đề về thanh khoản, nhưng không có nghĩa là không có cơ hội. Thị trường đang điều chỉnh trong thời gian gần đây và là cơ hội tuyệt vời cho nhà đầu tư đi ngược với thị trường và mua cổ phiếu. Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường Việt Nam đang bị đánh giá thấp", ông nhận định.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI