Vì sao 2/3 CEO Trung Quốc thích IPO trong nước hơn ở Mỹ?

Vì sao 2/3 CEO Trung Quốc thích IPO trong nước hơn ở Mỹ?

Mỹ có thể đang mất đi sự hấp dẫn như một điểm đến cho các công ty Trung Quốc đang tìm cách IPO, theo cuộc khảo sát gần đây về các doanh nghiệp tư nhân được thực hiện bởi đại học Tsinghua uy tín của Bắc Kinh và công ty kiểm toán Marcum Bernstein & Pinchuk LLP (MarcumBP).

Hầu hết giám đốc điều hành (CEO) đều mong muốn rời khỏi Mỹ”, ông Drew Bernstein, đồng quản lý của MarcumBP, cho biết. Theo báo cáo trên, được thực hiện vào đầu quý 3 và khảo sát hơn 1,200 giám đốc điều hành, 66% nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc coi thị trường quê nhà là điểm đến hấp dẫn nhất để niêm yết, trong khi chỉ có 18.7% số người được hỏi chọn Mỹ cho vị trí đầu tiên.

Dù một số công ty Trung Quốc tiếp tục thích Mỹ hơn - thể hiện qua việc tháng trước có ít nhất 9 công ty Trung Quốc nộp đơn xin IPO trên sàn giao dịch Mỹ - nhưng nhìn chung, số lượng công ty Trung Quốc niêm yết trên Nasdaq hoặc NYSE đã giảm xuống còn chỉ còn 18 trong năm nay, trong khi năm ngoái là 26. Đó là xu hướng có thể tiếp tục, vì những phát biểu gần đây từ Washington đã tạo ra môi trường thù địch hơn cho các công ty Trung Quốc muốn IPO ở Mỹ.

Tuần trước, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung khuyên Quốc hội hạn chế quyền tiếp cận thị trường Mỹ đối với các công ty Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây từng đe dọa hủy niêm yết đối với các cổ phiếu Trung Quốc, dù... không đủ thẩm quyền để làm như vậy, còn Nhà Trắng đã xem xét ngăn chặn các quỹ hưu trí của Chính phủ Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đã dành nhiều năm cố gắng tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong nước, đặc biệt là quảng bá Thượng Hải như điểm đến cho tài chính. Hồi tháng 7, Thượng Hải đã ra mắt thị trường STAR, một thị trường theo “phong cách” Nasdaq tại Thượng Hải, cho phép các công ty khoa học và công nghệ IPO trước khi có lãi.

Tuy nhiên, một báo cáo đầu năm nay của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải cho rằng Chính phủ trung ương đã thất bại trong tham vọng đưa thành phố trở thành điểm đến cho giới tài chính quốc tế vào năm 2020, chủ yếu do kiểm soát vốn và sự can thiệp từ Chính phủ. Thị trường STAR mới cũng đang gặp sự cố, vì khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu sụt giảm.

Sự háo hức của Trung Quốc để phát triển Thượng Hải thành trung tâm tài chính được thúc đẩy một phần bởi mong muốn thay thế Hồng Kông, nơi có cơ quan tư pháp và tiền tệ tách biệt với Trung Quốc đại lục và là điểm đến hàng đầu của IPO trên toàn cầu.

Năm ngoái, 125 công ty đã huy động được 36.5 tỉ USD thông qua việc niêm yết ở Hồng Kông, đẩy Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông lên vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các điểm đến cho IPO.

Đầu năm đó, Hong Kong Exchanges and Clearing (HKEX), tập đoàn quản lý thị trường chứng khoán của thành phố này, đã sửa đổi các quy định niêm yết để cho phép niêm yết cổ phiếu hai lớp, giúp các nhà sáng lập giữ quyền kiểm soát công ty sau khi IPO. Trước đây, vì không có quy định này, Hồng Kông đã mất vụ IPO 25 tỉ USD của Tập đoàn Alibaba về tay sàn New York.

Tuy nhiên, kể từ khi thay đổi quy định, các công ty công nghệ hàng đầu của đại lục - vốn yêu thích các lựa chọn cổ phiếu hai lớp - đã có các IPO bom tấn ở Hồng Kông, trong đó có nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và nền tảng dịch vụ tiêu dùng Meituan. Hai công ty này chiếm 8.9 tỷ USD trong tổng số vốn huy động thông qua IPO tại Hồng Kông vào năm ngoái.

Bất chấp 5 tháng biểu tình cản trở nền kinh tế Hồng Kông, thị trường chứng khoán tại đây vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Năm nay, Alibaba đang chuẩn bị cho vụ niêm yết thứ cấp trị giá 13 tỉ USD trên sàn giao dịch này, điều sẽ giúp Hồng Kông đứng đầu bảng xếp hạng lần nữa. Vì vậy, dù 66% công ty Trung Quốc nói họ sẽ niêm yết tại quê nhà, nhưng có lẽ Hồng Kông sẽ đủ gần.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI