Thỏa hiệp về thương mại, Trung Quốc nâng mức phạt với đánh cắp sở hữu trí tuệ

Thỏa hiệp về thương mại, Trung Quốc nâng mức phạt với đánh cắp sở hữu trí tuệ

Trung Quốc cho biết họ sẽ nâng án phạt đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với mục tiêu giải quyết một trong những điểm khó nhằn trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Quốc gia này cũng sẽ xem xét tới việc hạ thấp ngưỡng cho án phạt hình sự đối với những ai đánh cắp sở hữu trí tuệ (IP), theo các quy tắc hướng dẫn do Chính phủ công bố vào ngày Chủ nhật (24/11). Họ không đề cập chi tiết về động thái này.

Mỹ muốn Trung Quốc cam kết trấn áp hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và ngừng bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao bí mật thương mại như là một điều kiện để làm ăn ở nơi đây. Trung Quốc cho biết họ đang định giảm bớt những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ thường xuyên vào năm 2022 và lên kế hoạch tạo điều kiện cho các nạn nhân bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được nhận bồi thường.

Hai quốc gia đang cố gắng tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và để lại những vấn đề gây tranh cãi hơn cho các cuộc đàm phán sau này. Tuần trước, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc phát biểu về kế hoạch cải cách doanh nghiệp Nhà nước, mở cửa lĩnh vực tài chính và buộc thực thi quyền sở hữu trí tuệ - những vấn đề đóng vai trò cốt lõi trong những yêu cầu của Mỹ về Trung Quốc.

“Nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nội dung quan trọng nhất để cải thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cũng là động lực lớn nhất để thúc đẩy tính cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc”, theo các quy tắc hướng dẫn. Các chính quyền địa phương sẽ bị yêu cầu triển khai nâng cao quyền sở hữu trí tuệ.

Trong tháng 5/2019, Mỹ đã thêm Huawei Technologies vào danh sách thực thể về thương mại, tức cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho “gã khổng lồ” công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Huawei bị cáo buộc là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng họ đã phủ nhận những cáo buộc này.

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc muốn cố gắng tiến tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ dựa trên “sự bình đẳng”. Đây là nguyên tắc dẫn dắt mà vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không đồng tình.

“Đây không thể giống với một thỏa thuận bình đẳng, vì chúng tôi khởi đầu từ tầng trệt trong khi Trung Quốc đã ở trên trần. Vì vậy, chúng tôi buộc phải có thỏa thuận tốt hơn”, ông Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News trong ngày thứ Sáu (22/11).

Các nhà đàm phán từ Mỹ và Trung Quốc gần đây đã trao đổi thường xuyên, cố gắng giảm bớt bất đồng về các vấn đề như cam kết mua nông sản Mỹ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa nền kinh tế cho các công ty nước ngoài. Tuy vậy, họ vẫn chưa thể đồng tình về phần hàng rào thuế quan nào nên bị gỡ bỏ như là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được ký kết, dù đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra từ tháng 10. Việc này khiến giới doanh nghiệp càng cảm thấy thiếu chắc chắn về tương lai.

Và kể cả nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến thương mại, một số chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề lớn hơn cần giải quyết, như đảm bảo cạnh tranh công bằng về các tiến bộ công nghệ, ví dụ 5G hay trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, Mỹ còn căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Hông Kông - thành phố có tầm quan trọng rất lớn với Bắc Kinh. Vài giờ trước khi Diễn đàn Kinh tế Mới khai mạc tại Trung Quốc hôm thứ năm (21/11), các Thượng nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hông Kông.

Theo đó, hàng năm, Mỹ sẽ đánh giá về việc liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại và kinh tế hay không. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích dự luật này.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI