Nhịp đập Thị trường 28/11: Giảm sâu nhưng vẫn giữ được mốc 970

Nhịp đập Thị trường 28/11: Giảm sâu nhưng vẫn giữ được mốc 970

VN-Index bị đạp mạnh ngay từ đầu phiên chiều, có lúc giảm về 967 điểm trước khi hồi phục trở lại. Đóng cửa, VN-Index mất 7.78 điểm, tương ứng 0.8%, dừng tại 970.39 điểm, đây cũng là mức đóng cửa thấp nhất trong hơn 2 tháng gần đây.

Dù giảm mạnh nhưng thanh khoản sàn HOSE vẫn giảm so với phiên trước. Khối lượng giao dịch khớp lệnh sàn này đạt 154.4 triệu cp, tương ứng 3,315 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận đạt gần 34 triệu cp, tương ứng 853 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB đóng cửa còn giảm 1.16%, trong khi VHM giảm 1.5% và thay thế VCB trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index. Nói thêm về nhóm ngân hàng, TCB, VPB, CTG, MBB đều giảm mạnh, trong đó TCBCTG đều về mức thấp nhất trong 1 tháng.

VIC dù giảm trong phiên nhưng đóng cửa vẫn tăng nhẹ, cùng với VJC (+0.63%) tạo nên hai trụ, phần nào giúp thị trường không mất mốc 970 điểm.

ROS tiếp tục là cổ phiếu nổi bật nhất về giao dịch khi khớp hơn 34 triệu cp, đạt giá trị 862 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp, ROS khớp trên 30 triệu cp, tính tổng cộng thì khối lượng giao dịch 5 phiên gần đây chiếm gần 30% vốn của Công ty.

Cổ đông MWG có vẻ phiền lòng với thông tin đơn vị này phát hành ESOP giá 10,000 đồng/cp nên có phản ứng bán mạnh trong phiên hôm nay. Kết phiên, MWG giảm 3.71%, mức giảm mạnh nhất từ đầu tháng 10.

Sàn HNX hôm nay cũng buồn không kém khi chỉ số HNX-Index giảm 0.86%, dừng tại 102.34 điểm. VCS, ACB, SHB, PVS đều là những cái tên tác động xấu lên thị trường. Riêng VCS thì đây là mức đóng cửa thấp nhất từ đầu tháng 8/2019.  Hơn nữa, trên góc nhìn kỹ thuật thì VCS đang hình thành mô hình vai đầu vai, khiến rủi ro giảm thêm là rất cao.

Phiên sáng: Có giữ được mốc 970?

VN-Index rơi một mạch từ sau khoảng 1 giờ giao dịch, tạm dừng ngay mốc 970 điểm, tức giảm 7.74 điểm (0.79%) khi phiên sáng khép lại.

Tất cả các nhóm cổ phiếu điều giảm, mạnh nhất là Large Cap với mức giảm gần 1%. VCBVHM đã đóng góp 2 điểm giảm cho chỉ số chính sàn HOSE. Riêng VCB đã có sự điều chỉnh hơn 7% từ mức đỉnh 92,000 đồng/cp đạt được ngày 04/11 vừa qua.

Xu hướng thị trường đang tiêu cực hơn, ngay cả khi thông tin Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua. Nhà đầu tư dường như có mối lo khác mà có thể đến từ tác động phía bên ngoài.

Nhiều khả năng đó là lo ngại trước diễn biến cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể xấu đi sau khi ông Trump thông qua dự luật Hồng Kông.

Trở lại với diễn biến sáng nay, bên bán chiếm hoàn toàn thế chủ động. Khối lượng giao dịch đạt gần 98 triệu cổ phiếu, cho thấy bên mua vẫn ngại bắt đáy. Nếu dòng tiền vẫn yếu thì khả năng mất mốc 970 là rất cao.

10h30: Áp lực lớn từ bên bán, VN-Index giảm sâu

Sau ít phút giằng co, chỉ số VN-Index đã giảm sâu hơn 4 điểm, dần xa rời mốc 980 điểm.

Dường như nhà đầu tư đang tranh thủ giá xanh để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ. Độ rộng thị trường đang trở nên tiêu cực với 260 mã giảm và 163 mã tăng. 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất (dẫn đầu là VCB, VHM, GAS,…) đóng góp 3.5 điểm giảm trong chỉ số VN-Index.

GAS đầu phiên xanh nhẹ nhưng hiện đảo chiều và giảm khá. Nhóm VN30 còn 7 mã tăng giá, trong SABVJC có lẽ vừng vàng nhất khi cầu giá xanh duy trì mức cao. Còn lại như HPG, SSI hay BID đang ngấp nghé ngưỡng giảm. ROS là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong rổ nhưng giá đang giảm 2%.

Nhóm ngành xây dựng giảm do các ông lớn trong ngành như CTD, CII, ROS giảm. HBC cũng giảm nhẹ sau 3 phiên tăng điểm trước đó.  

Cổ phiếu họ nhà Vin cũng không tránh khỏi xu hướng chung khi nhuốm sắc đỏ, riêng VHM đã giảm gần 5% trong 1 tuần qua. VHMVRE cũng đang mua vào cổ phiếu quỹ như đã đăng ký, theo số liệu từ HOSE tính đến phiến 27/11 thìVHM đã mua hơn 13 triệu cp quỹ, còn VRE mua hơn 23.5 triệu cp quỹ.

Cổ phiếu MWG hiện giảm hơn 2%, ghi nhận giảm 13.4% chỉ trong 1 tháng qua, từ mức gần 130,000 đồng/cp xuống còn 110,800 đồng/cp. Thông tin mới nhất là MWG sắp phát hành 10.6 triệu cp ESOP, giá chỉ 10,000 đồng/cp. Nếu chiếu theo thị giá 113,200 đồng/cp kết phiên 27/11 của cổ phiếu MWG, tổng giá trị thị trường của lượng cổ phiếu ESOP phát hành đợt này lên đến hơn 1,200 tỷ đồng.

Một đại gia bán lẻ khác là FRT thì tăng lại sáng nay sau chuỗi ngày giảm mạnh trước đó. Thống kê Vietstock cho thấy, FRT đã giảm 16% trong tuần qua và gần 35% trong vòng 1 tháng. Kết quả kinh doanh đi xuống và triển vọng không mấy sáng sủa được cho là nguyên nhân cho đợt lao dốc này.

Dò xét đầu phiên

Hai chỉ số dao động nhẹ quanh tham chiếu đầu phiên sáng nay với dòng tiền ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng.

Chỉ số VN-Index tăng nhẹ phiên hôm qua (27/11), các chuyên gia đưa ra ý kiến rằng đó tiếp tục là phiên hồi mang tính kỹ thuật. Điều đáng ngại là thanh khoản vẫn giảm và duy trì mức thấp so với trung bình 20 phiên liền trước. Đà hồi phục của thị trường gặp khó khăn khi tiến tới ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 980 điểm (MA200) và áp lực bán ra tại đây đã khiến mức tăng bị thu hẹp lại trong phiên chiều 27/11.

Mở cửa sáng nay, VN-Index giảm nhẹ nhưng đến 9h30 đã xanh trở lại. Chỉ số VN30-Index giảm điểm, sàn HOSE đang được “nâng đỡ” bởi vài cổ phiếu trong nhóm Large Cap như BID, SAB, EIB, VRE

Tuy nhiên, sắc xanh có vẻ như khó giữ được khi mà đa số nhóm cổ phiếu lớn đang trong sắc đỏ, nhất là VCB, MWG, MSN, HPG

Phương Châu

FILI