Kinh tế toàn cầu có thể phục hồi từ quý 1/2020?

Kinh tế toàn cầu có thể phục hồi từ quý 1/2020?

Sự xuống thang căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong quý 1/2020, theo các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley.

Các thị trường mới nổi sẽ là động lực tạo đà hồi phục trong lúc tăng trưởng kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn cuối, họ tranh luận.

“Có hay không một đà phục hồi kinh tế toàn cầu vào quý 1/2020?”, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, dẫn đầu là Chetan Ahya, viết trong một báo cáo. “Tăng trưởng toàn cầu có thể hồi phục từ quý 1/2020, đảo ngược xu hướng giảm trong 7 quý vừa qua khi căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ đều dịch chuyển theo hướng có lợi lần đầu tiên kể từ khi xu hướng đi xuống bắt đầu”.

“Sự thuyên giảm của căng thẳng thương mại (yếu tố chính dẫn tới sự giảm tốc trên toàn cầu) sẽ giảm bớt sự không chắc chắn của các doanh nghiệp và giúp các gói kích thích chính sách thêm phần hiệu quả”, Morgan Stanley cho biết trong báo cáo triển vọng năm 2020. Họ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 là 3.2%, cao hơn so với mức 3% của năm 2019.

Tuy nhiên, phần lớn còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc đaàm phán thương mại Mỹ-Trung và liệu chính quyền Trump có thực hiện vòng áp thêm thuế kế tiếp – dự kiến diễn ra vào ngày 15/12.

Rủi ro vẫn đang còn nghiêng về suy giảm, có thể vì khả năng áp thêm thuế quan và các thách thức cuối chu kỳ ở Mỹ, bao gồm rủi ro tín dụng doanh nghiệp và sự không chắc chắn về cuộc bầu cử năm 2020.

Nếu chính quyền Trump thực hiện lời đe dọa áp thêm hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 12/2019 thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc thêm trong quý 4/2019 và đà hồi phục sẽ bị trì hoãn đến quý 3/2020, các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cho hay. Họ nói thêm, trong trường hợp này, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 có thể giảm xuống 2.8%.

Dù vậy, đà hồi phục ngắn có thể bắt đầu vào năm 2020. Những yếu tố gây gián đoạn đến chu kỳ toàn cầu trong thập kỷ qua đã ngăn chặn tình trạng quá nhiệt và góp phần đẩy lùi cuộc suy thoái sâu, theo các chuyên gia kinh tế này.

“Do đó, với đợt phục hồi ngắn – lần thứ 3 trong thập kỷ vừa qua, chúng tôi tin rằng đà hồi phục cuối chu kỳ có thể được nới dài”, họ viết.

“Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách thêm, trong đó lãi suất chính sách trung bình có trọng số trên toàn cầu chạm mức đáy 7 năm vào tháng 3/2020”, Morgan Stanley cho hay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm nay và điều này đã giúp nâng đỡ nhu cầu về nhà ở và hàng lâu bền, đồng thời bù đắp cho sự suy giảm của những lĩnh vực bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại.

“Trong năm 2020, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm chạp hơn khi hàng loạt tác động tích cực từ lãi suất thấp có lẽ đã phai nhạt và các hộ gia đình sử dụng thu nhập cao hơn để cân bằng với giá hàng hóa cao hơn vì hàng rào thuế quan”, Morgan Stanley cho biết. “Thế nhưng, nền kinh tế đang trong trạng thái vững mạnh, trong đó có ít tác động tiêu cực từ bên ngoài, chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài và sự hỗ trợ không ngơi nghỉ từ chính sách tài khóa”.

Dù vậy, Morgan Stanley nhận thấy bất ổn xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 là rủi ro suy giảm chính tác động đến kinh tế Mỹ.

“Hơn nữa, sự không chắc chắn về chính sách kinh tế, nhất là nếu chúng ta có kết quả bầu cử sát sao, sẽ đè nặng lên quyết định của doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2020”.

Morgan Stanley dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc từ 2.3% của năm 2019 xuống 1.8% trong năm 2020.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI