Dầu giảm hơn 1% khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

Dầu giảm hơn 1% khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm vào ngày thứ Sáu (07/08), xóa bớt đà tăng tuần qua, với áp lực liên quan đến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lệnh cấm sâu rộng nhưng không rõ ràng đối với những giao dịch với các chủ sở hữu ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lùi 73 xu (tương đương 1.7%) xuống 41.22 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 69 xu (tương đương 1.5%) còn 44.40 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng dầu Brent đã tăng 2%, còn hợp đồng dầu WTI vọt 2.4%.

Bộ đôi lệnh cấm giao dịch với các công ty truyền thông xã hội của Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành vào cuối ngày thứ Năm (06/08) sẽ có hiệu lực trong 45 ngày. Dầu đảo chiều giảm trong thương mại ở châu Á sau thông báo trên, cho thấy “khi nói đến rủi ro địa chính trị, các nhà đầu tư dầu ở châu Á (và hầu hết của thực tế) có khuynh hướng dự báo không may đối với căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng”, Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại AxiCorp, nhận định.

Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá lạc quan trước việc các nhà sản xuất chủ chốt nới lỏng cắt giảm sản lượng có hiệu lực vào ngày 01/08/2020.

Ả-rập Xê-út hôm thứ Năm (06/08) đã hạ 30 xu giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô xuất sang châu Âu và châu Á. Các nhà phân tích cho biết động thái này được đưa ra như một sự xoa dịu các nhà đầu tư vốn đang lo ngại rằng Ả-rập Xê-út sẽ giảm sâu hơn trong một nỗ lực giành lấy thị phần.

Đà suy giảm của số giàn khoan dầu tại Mỹ đã không làm ảnh hưởng nhiều đến giá dầu trong phiên giao dịch đầu giờ chiều. Dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống còn 176 giàn trong tuần này.

Các chuyên gia phân tích cho biết việc thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Đảng Dân chủ và Nhà Trắng về gói viện trợ bổ sung mùa dịch Covid-19 cũng gây sức ép lên giá dầu, vì nó có thể là mối đe dọa đối với nhu cầu tiêu dùng. Các cuộc đàm phán được nối lại vào ngày thứ Sáu mặc dù vẫn còn bất đồng lớn về các vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, đồng USD khởi sắc, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.8%. Đà suy yếu của đồng USD, đã khiến chỉ số đồng USD giảm hơn 4% trong tháng 7, được cho là cung cấp hỗ trợ dầu và các hàng hóa khác được neo giá theo đồng bạc xanh. Đồng USD suy yếu làm các hàng hóa này trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 9 lùi 1.7% xuống 1.2076 USD/gallon, nhưng vẫn tăng 3.1% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 2.4% còn 1.2199 USD/gallon và hạ 0.3% từ đầu tuần đến nay.

Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 vọt 3.4% lên 2.238 USD/MMBtu, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 24.4% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.

An Trần

FILI